Tin tức đầu tư


Ngành nông nghiệp Quảng Yên vượt khó

22/10/2021

Những năm gần đây, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn thị xã dẫn đến đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, diện tích đất nông nghiệp có tiềm năng sản xuất cho giá trị từng bước bị thu hồi để chuyển đổi phục vụ cho các khu công nghiệp. Giai đoạn 2015-2020, diện tích đất nông nghiệp của thị xã giảm gần 1.200ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp giảm gần 436ha, đất lâm nghiệp giảm gần 233ha, đất nuôi trồng thủy sản giảm trên 492ha.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp của hộ anh Lê Quang Tùng (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điều này không chỉ làm sản xuất nông nghiệp của địa phương manh mún, hạn chế phát triển vùng sản xuất cho khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, mà còn hạn chế việc đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất công nghiệp trong nông nghiệp. Đặc biệt, quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp cũng khiến một bộ phận lao động không có việc làm do mất đất sản xuất, một lượng lớn lao động chuyển sang khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, làm thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, nhất là vào thời vụ sản xuất.

Đi đôi với đó, biến đổi khí hậu tiêu cực cũng tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Sâu bệnh hại trên cây trồng, dịch bệnh trên vật nuôi phát sinh, đều ảnh hưởng đến sản xuất. Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi gây hại đến đàn lợn nái và lợn thịt thương phẩm của thị xã, dẫn đến khó khăn trong việc tái đàn và phát triển đàn.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Một thời gian dài, hạn chế đi lại, lưu thông hàng hóa để đảm bảo phòng, chống dịch dẫn đến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị co hẹp, giá cả các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ, giá thành giảm mạnh. Đầu tư sản xuất nông nghiệp của người dân và các cơ sở sản xuất theo hướng công nghiệp bị hạn chế, tác động đáng kể đến phát triển nông nghiệp của địa phương.

Với quyết tâm không cản trở mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp, thị xã đã triển khai cùng lúc nhiều giải pháp khắc phục hạn chế. Cùng với đó là phát huy lợi thế để thực hiện tốt các kế hoạch đã đề ra.

Người dân xã Hoàng Tân san thưa giống hàu cửa sông.

Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: Thời gian qua, UBND thị xã đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quỹ đất sản xuất nông nghiệp cũng như lộ trình đầu tư của các nhà đầu tư vào địa bàn. Từ đó, ưu tiên khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, liên kết chuỗi cung ứng bền vững, nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa. Thị xã tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, nhằm hỗ trợ phát triển ngày càng nhiều các chuỗi giá trị nông sản trên cơ sở đa dạng hóa các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, tổ hợp tác với doanh nghiệp.

Thị xã quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhằm đảm bảo tưới tiêu chủ động và ổn định sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và khuyến khích hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng các trang thông tin điện tử, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại nông sản điện tử. Mặt khác, thị xã khuyến khích các hội, ngành phối hợp cung cấp thông tin bổ ích về kinh tế, nhất là các thông tin phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ nông sản, để người sản xuất điều chỉnh theo yêu cầu của thị trường...

Ngô Dịu (Báo Quảng Ninh)