Ngay tháng đầu năm, một tỉnh miền Bắc trở thành điểm nóng thu hút 8 dự án FDI, tổng đầu tư gần nửa tỷ USD
Trong năm 2023, một huyện thuộc tỉnh này thu hút FDI cao hơn 55 tỉnh thành của cả nước.
Năm 2023 tỉnh Quảng Ninh đã có bước đột phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn thu hút đạt gần 5 tỷ USD, trong đó thu hút FDI đạt trên 3,1 tỷ USD. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Đây cũng là năm kỷ lục thu hút nguồn vốn đầu tư FDI thế hệ mới sau hơn 20 năm kể từ thời điểm dự án FDI đầu tiên đầu tư vào tỉnh năm 2002.
Đến nay, tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đến từ 20 quốc gia, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
FDI là động lực quan trọng, thúc đẩy ngành công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn mới cho Quảng Ninh. Từ những kết quả kỷ lục về thu hút FDI đạt trên 3,1 tỷ USD ở năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu tiếp tục bứt phá và lọt top đầu thu hút FDI cả nước.
Quảng Ninh là tỉnh giàu có thuộc top đầu của Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, Quảng Ninh đã có quyết tâm để thực hiện mục tiêu phấn đấu tổng vốn FDI đạt trên 3 tỷ USD. Những ngày đầu, tháng đầu của năm, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Quảng Ninh đang tiếp tục tăng mạnh.
Theo ghi nhận, ngay tháng đầu tiên năm mới, tỉnh đã thu hút mới 8 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 478 triệu USD. Trong đó, dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hồng Kong) có số vốn cao nhất với 274,8 triệu USD.
Dự kiến, theo kế hoạch ở hơn một tháng còn lại quý 1/2024 sẽ có thêm 7 nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào tỉnh. Tình hình thu hút FDI trong quý 1/2024 đang có rất nhiều tín hiệu khả quan, dự kiến tỉnh sẽ đạt 1 tỷ USD, bằng 1/3 kế hoạch của cả năm.
Chia sẻ trên Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cho biết: Quan điểm của Quảng Ninh là ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt; thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tái định vị dòng vốn đầu tư, ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ...
Loạt dự án FDI lớn tại đất Quảng
Từ khi tỉnh chính thức thu hút dự án FDI đầu tiên, đến nay trên địa bàn Quảng Ninh có 170 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 11,66 tỷ USD.
Toàn cảnh nhìn từ trên cao KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Ảnh: Báo Quảng Ninh điện tử.
Jinko Solar - nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là một trong những nhà đầu tư FDI lớn tại Quảng Ninh. Tháng 10/2023, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD.
Các nhà máy đang hoạt động tại Quảng Ninh của Jinko Solar hiện chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm sản xuất của Tập đoàn tại nước ngoài. Cơ sở sản xuất ở Quảng Ninh cũng là nơi đầu tiên Jinko hoạt động theo mô hình sản xuất hoàn chỉnh và khép kín.
Năm 2023, doanh thu của công ty là 19.000 tỷ đồng. Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar lên kế hoạch năm 2024 với doanh thu dự kiến đạt khoảng 2,4 tỷ USD (tương đương 58.000 tỷ đồng), gấp 3 lần so với năm trước đó.
Foxconn cũng là một trong số rất nhiều nhà đầu tư tầm cỡ thế giới lựa chọn Quảng Ninh là nơi rót vốn.
Sau Dự án nhà máy S-Việt Nam tại KCN Đông Mai (Thị xã Quảng Yên) triển khai năm 2019, tháng 6/2023 Foxconn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư với Dự án Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh tại KCN Sông Khoai.
Đến thời điểm hiện tại Foxconn có 3 dự án đầu tư tại Quảng Ninh, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 383 triệu USD, chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Foxconn tại Việt Nam.
Tính chung, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư vào 16/21 ngành kinh tế quốc dân. Khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 76 triệu USD (tương đương gần 2.000 tỷ đồng), góp phần giải quyết việc làm cho gần 43.000 lao động.
Chính sách thu hút FDI “thế hệ mới” được hiểu là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước.
Nguồn: CAFEF.VN
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra