Nhiều cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia phát triển. Đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với những lợi thế sẵn có Quảng Ninh. Để thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa thông qua các sàn TMĐT.
TMĐT xuyên biên giới được hiểu là hình thức mua bán qua lại giữa doanh nghiệp hoặc người dân ở quốc gia khác nhau thông qua việc đặt hàng và thanh toán trên các sàn TMĐT và qua Internet. Hình thức này phát triển mạnh ở các quốc gia có nền tảng TMĐT phát triển, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU)...
Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng, là một trong 7 tỉnh/thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm ở vị trí thuận lợi có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn đứng đầu thế giới, là “cửa ngõ” của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và các nước Asean sang Trung Quốc và ra thế giới.
Để thúc đẩy các hoạt động TMĐT xuyên biên giới, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đẩy mạnh các chương trình hội nghị, tọa đàm, tập huấn và tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể; đẩy mạnh phát triển TMĐT gắn với hoạt động chuyển đổi số toàn diện; thực hiện thông tin, hướng dẫn liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định TMĐT do (FTA) với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA... Qua đó, giúp cho các doanh nghiệp trong tỉnh từng bước bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng TMĐT để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chị Nguyễn Thị Chinh, Trợ lý Giám đốc Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam, cho biết: Hiện nay, Công ty chúng tôi vẫn đang thực hiện xuất khẩu theo hướng truyền thống. Tuy nhiên, Công ty đang tích cực tiếp cận với các hình thức thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới. Đây là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp chúng tôi thúc đẩy, quảng bá các sản phẩm của Công ty, tiếp cận với nhiều bạn hàng, thị trường mới hơn trong thời gian tới.
Theo báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2022, do Hiệp hội TMĐT Việt Nam công bố: Chỉ số TMĐT của Quảng Ninh năm 2022 xếp hạng 11 trong tổng số 58 tỉnh, thành phố được khảo sát. Doanh số TMĐT nội địa ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; giá trị giao dịch TMĐT của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Trong 7 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng 13,6% so với cùng kỳ 2022. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của TMĐT.
Các chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT chia sẻ nội dung tại chương trình tập huấn “Nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới Quảng Ninh 2023”, cuối tháng 7/2023.
Tuy nhiên, cùng với những lợi thế thì việc đưa TMĐT xuyên biên giới vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức, như: Các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia; một số quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế phức tạp; khó khăn trong hệ thống chính sách, pháp luật... Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Nhận định tại chương trình tập huấn “Nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới Quảng Ninh 2023” tổ chức tại TP Hạ Long cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Quảng Ninh là một trong những tỉnh dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Quảng Ninh hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ TMĐT xuyên biên giới. Để tận dụng được lợi thế và phát huy hiệu quả sâu rộng, Quảng Ninh cần có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Đồng thời đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới, nâng cao tuyên truyền phổ biến pháp luật TMĐT và có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua TMĐT, TMĐT xuyên biên giới, như: Tiếp cận vốn, logistics, hạ tầng, thông quan hàng hoá qua cửa khẩu...
Minh Đức BQN
Bài viết cùng chuyên mục
- Lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chúc mừng Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia
- Hội thảo kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - LB Nga tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông
- Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
- Quảng Ninh 40 năm đổi mới và phát triển: Bứt phá ấn tượng
- Hội nghị chuyên đề toàn quốc “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
- Tỉnh Quảng Ninh tập huấn nghiệp vụ xúc tiến đầu tư năm 2024
- Sớm xây dựng cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B
- Doanh nghiệp ngành logistics trước áp lực “xanh hóa”
- Năm 2024 phải là năm bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công
- Doanh nghiệp ngoại tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam