Tin tức đầu tư


Nhiều dư địa cho hàng Việt Nam sang thị trường Âu-Mỹ

26/01/2023

Ông Tạ Hoàng Linh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ có nhiều thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với đối tác thị trường châu Âu - châu Mỹ.

https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202302/medium/2053303_4c78fa3493ea540f35da09e072bb7e92.jpg

Sơ chế tôm tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Cụ thể, gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam - Chi lê, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKFTA) tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, song hành với đó doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc thị trường xuất khẩu chủ lực ở các nước khu vực châu Âu tuy có thể tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương trừ Nga

Hơn nữa, việc các nước phương tây (Âu- Mỹ) duy trì hoặc tăng thêm lệnh trừng phạt với Nga; tiếp tục chiến lược kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc dẫn đến việc các nước này sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn hàng thay thế, địa bàn đầu tư thay thế trong khi Việt Nam có thể là một lựa chọn.

Điều này đặc biệt đúng khi các nước đều đang chú trọng vấn đề an ninh lương thực, sự ổn định của chuỗi cung ứng trong khi Việt Nam gặt hái nhiều thành công trong sản xuất xuất khẩu nông lâm thủy sản và nổi bật về sự ổn định kinh tế.

Ngoài ra, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khi hậu của Liên hợp quốc (COP26), nhất là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.\

 

Việc hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai khi nhu cầu các sản phẩm này ở các nước khu vực châu Âu - châu Mỹ ngày một tăng và các chính sách bảo vệ môi trường tại các nước ngày một chú trọng.

Việt Nam sẽ nhận càng ngày càng nhiều hỗ trợ của các nước phát triển trong việc chuyển đổi năng lượng, thay đổi nền sản xuất hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu dùng.

Bên cạnh những thuận lợi, xuất nhập khẩu Việt Nam lại phải đối mặt với khó khăn trong năm 2023 như nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới; trong đó, có khu vực châu Âu - châu Mỹ; xung đột Nga - Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.