Nhiều quyết sách quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới
Sau khi nghe các báo cáo, tờ trình tại Kỳ họp thứ 11, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, nghiên cứu kỹ các nội dung, tích cực thảo luận để làm rõ các vấn đề đưa trong dự thảo nghị quyết.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi nhận lại một số ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh là một nghị quyết có ý nghĩa rất lớn liên quan đến an sinh xã hội”
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã bàn bạc và thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những chính sách đã được Trung ương ban hành thì đây là chính sách riêng có của tỉnh, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của tỉnh đối với các nhóm người chưa tham gia BHXH.
Bởi thực tế, với đặc điểm là tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu tập trung trong lĩnh vực du lịch và khai thác than khoáng sản, quy mô các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn là nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể sử dụng ít lao động. Do vậy, số người tham gia BHXH còn thấp so với lực lượng lao động trong độ tuổi của tỉnh, độ bao phủ BHXH tăng chậm (bình quân giai đoạn 2017-2021 khoảng 4,5%/năm). Nhiều lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, người nông dân chưa tham gia BHXH tự nguyện đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ phải chi trợ cấp bảo trợ xã hội, mua thẻ BHYT cho người cao tuổi sau này.
Do vậy ngoài nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường các giải pháp tuyên truyền, đẩy mạnh cải cách hành chính của ngành BHXH, rất cần đến chính sách đặc thù của tỉnh. Việc tỉnh thông qua Nghị quyết hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách của tỉnh sẽ kích cầu và tăng tính hấp dẫn trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, phát triển đối tượng tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh và giảm thiểu tình trạng người lao động đề nghị giải quyết hưởng BHXH.
Chính sách được thông qua sẽ giảm áp lực tài chính cho người dân, khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, mức sống lẫn thu nhập đều giảm sút. Đồng thời là động lực để người dân lao động sản xuất, có thu nhập tham gia BHXH tự nguyện và cũng giúp giảm gánh nặng cho ngân sách về chi trợ cấp bảo trợ xã hội, mua thẻ BHYT cho người cao tuổi sau này.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh: “HĐND tỉnh đã có quyết nghị quan trọng để định hướng công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn mới”
Tại Kỳ họp lần thứ 11 này, HĐND tỉnh đã xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết của HĐND ban hành sẽ tạo sự điều hành xuyên suốt, trong đó nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp trọng tâm để các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Nghị quyết của HĐND được ban hành trong năm 2022 là hết sức cần thiết và ý nghĩa trong giai đoạn mới, khẳng định tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là một hành trình không có điểm kết thúc và luôn lấy sự hài lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả thực chất của công việc. Nghị quyết cũng sẽ là cơ sở để các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, bám sát tình hình thực tiễn để nhận diện, phân tích và đề xuất giải pháp bổ sung, đổi mới khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.
Với vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp, theo dõi, tham mưu công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh và hỗ trợ, chăm sóc các nhà đầu tư trên địa bàn, IPA sẽ tập trung ưu tiên nghiên cứu Nghị quyết và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể, nỗ lực thực hiện thắng lợi nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành.
Đại biểu Đinh Trung Kiên (Tổ đại biểu huyện Vân Đồn): “Cần sớm bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi”
Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh không còn xã thuộc vùng khó khăn, người dân sinh sống trên địa bàn này sẽ không tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Thực tiễn cho thấy, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh thời gian qua đã phát huy tốt hiệu quả.
Do đó, tôi mong muốn tỉnh sẽ sớm bổ sung thêm nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì thực tế nguồn vốn ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2021-2025 sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để giúp cho các hộ gia đình vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo kịp thời được hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Nhất là sau khi các địa phương không còn được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay hộ gia đình tại vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Đặc biệt đối với một số địa bàn có nhu cầu vay nguồn vốn lớn sản xuất lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Ngay như huyện Vân Đồn, hiện người dân cũng đang rất cần vay vốn chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE và mua giống nuôi trồng thủy sản để sớm đạt mục tiêu chuẩn hóa được vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, hướng tới phát triển thủy sản bền vững giá trị cao, bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn (Tổ đại biểu TX Đông Triều): “Làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan dẫn đến chậm tiến độ các dự án đầu tư công”
Qua các tờ trình, dự thảo, báo cáo thẩm tra, tôi nhận thấy, thời gian thực hiện một số dự án đầu tư công trong lĩnh vực y tế vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.
Cụ thể, đã có 6 dự án được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư gia hạn thời gian thực hiện 3 lần. Trong đó, có Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng Trung tâm Y tế TP Móng Cái... đã vượt gần gấp đôi thời gian bố trí vốn so với quy định của Luật Đầu tư công.
Mặc dù, tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022, nội dung này đã được đưa ra chất vấn và một số sở, ngành đã có những giải pháp để thúc đẩy tiến độ, nhưng các dự án vẫn tiếp tục chậm triển khai. Đến nay, các dự án xin điều chỉnh với lý do: Việc mua sắm các trang thiết bị y tế chuyên dùng của dự án còn phụ thuộc vào tiến độ kê khai giá trang thiết bị của các đơn vị cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Mặt khác, dự án đã được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư gia hạn thời gian thực hiện đến tháng 6/2023 và điều chỉnh giảm một số trang thiết bị y tế chuyên dùng.
Do đó tôi đề nghị các dự án cần được triển khai theo đúng cam kết đã nêu tại kỳ họp lần này và tránh để tình trạng trên tiếp tục tái diễn trong những kỳ họp lần tới. Cùng với đó, tiếp tục làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các đơn vị liên quan dẫn đến chậm tiến độ các dự án; làm rõ có bao nhiêu thiết bị chưa được kê khai giá và vì sao các thiết bị đã kê khai giá nhưng chưa được đấu thầu mua sắm trước để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Đại biểu Sẻn Thị Hỷ (Tổ đại biểu TP Móng Cái): “Đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, đi sâu đi sát vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm"
Tại Kỳ họp, các đại biểu HĐND đã hết sức trách nhiệm, phát huy trí tuệ, dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và phát hiện, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, đi sâu đi sát vào nhiều vấn đề có trọng tâm, trọng điểm. Điều này đã thể hiện được vai trò của người đại biểu dân cử trước nhân dân, cử tri trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao.
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của đại biểu HĐND và đặc biệt là sự chỉ đạo, định hướng, gợi mở của Chủ tọa Kỳ họp, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã trực tiếp báo cáo, giải trình, làm rõ rất nhiều nội dung. Trong đó có những nội dung hết sức quan trọng như: Vấn đề điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; vấn đề giải ngân vốn đầu tư công của các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh như y tế, giáo dục; việc xây dựng các dự thảo nghị quyết, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện... Điều này sẽ góp phần giúp HĐND xây dựng và ban hành được các nghị quyết chất lượng, sát thực tế, nhanh chóng đi sâu, “bén rễ” vào cuộc sống.
Bài viết cùng chuyên mục
- Lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chúc mừng Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia
- Hội thảo kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - LB Nga tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông
- Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
- Quảng Ninh 40 năm đổi mới và phát triển: Bứt phá ấn tượng
- Hội nghị chuyên đề toàn quốc “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”
- Tỉnh Quảng Ninh tập huấn nghiệp vụ xúc tiến đầu tư năm 2024
- Sớm xây dựng cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B
- Doanh nghiệp ngành logistics trước áp lực “xanh hóa”
- Năm 2024 phải là năm bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công
- Doanh nghiệp ngoại tăng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam