Nhiều tín hiệu tích cực, tạo đà kinh tế phục hồi
Kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng có nhiều tín hiệu tích cực; đặc biệt, trong tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và nhiệm vụ trong thời gian tới. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kinh tế Việt Nam còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực phát triển… phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%.
Nhiều tín hiệu tích cực
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm cơ bản được giữ ổn định. Theo đó, các hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã có chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế.
Theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, trong tháng 3 và 4, Chính phủ tiếp tục xác định việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Theo đó, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trọng điểm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng... đã được ban hành.
Báo cáo cũng nhìn nhận, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng có trọng tâm, trọng điểm như mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 cho phép giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198.400 tỷ đồng và đang đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Đối với chính sách tiền tệ, tiếp theo việc liên tiếp giảm một số lãi suất điều hành 1% trong tháng 3/2023, trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ (nhằm kiểm soát nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 16-2021) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn lãi suất thị trường 1,5- 2% cũng đã chính thức được hướng dẫn triển khai. Các chính sách này được kỳ vọng tháo gỡ một phần khó khăn về pháp lý, vốn cho người dân, doanh nghiệp và kích cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi thời gian tới.
Với nhiều chính sách tích cực cùng sự nỗ lực của khu vực doanh nghiệp, các địa phương, nhiều chỉ tiêu kinh tế tháng 4 đã có chuyển biến, có tín hiệu và xu hướng khả quan đã đóng góp quan trọng vào kết quả chung của 4 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; trong đó tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,84% so với cùng kỳ, giảm dần so với quý I (4,18%) và 2 tháng đầu năm (4,6%); chỉ số lạm phát cơ bản 4 tháng đã chuyển biến tích cực.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Tính chung 4 tháng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 39% dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 39,5% dự toán; thặng dư thương mại (xuất siêu) ước đạt 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 2,35 tỷ USD).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) bước đầu có tín hiệu tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%. Khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng ước đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 4 tháng đạt gần 50.000 doanh nghiệp, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, ước đến ngày 30/4/2023, cả nước đã giải ngân được 110.633,6 tỷ đồng, đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (18,48%) tuy nhiên về số tuyệt đối tăng gần 15.000 tỷ đồng (khoảng 16%) so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản công bố kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2022; trong đó, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tương lai kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam còn một số khó khăn, hạn chế do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, sản xuất kinh doanh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cũng chỉ ra, quý I/2023 là một trong những quý I có tốc độ tăng trưởng thấp, chỉ cao hơn năm 2020-2021. Chủ yếu động lực tăng trưởng của quý I/2023 suy giảm do lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo. Trong quý, các trung tâm sản xuất lớn, công nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng và có khoảng 7 địa phương có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp; trong đó, có 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Nguyên nhân là do bối cảnh chung và bên cạnh động lực là công nghiệp chế biến chế tạo suy giảm, còn một số lĩnh vực khác như: tổng cầu giảm; trong đó, tổng mức bán lẻ; nhu cầu, tốc độ tăng xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thị trường, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và những lĩnh vực riêng đặc thù của các địa phương này cũng sụt giảm.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Tp. Hồ Chí Minh và chỉ ra một số nguyên nhân rất đặc thù. Trước đây thông thường một năm Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 70 - 80 dự án để phê duyệt chủ trương và đầu tư xã hội. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, dự án mới để phê duyệt rất thấp. Vấn đề này có liên quan đến năng lực quản lý, cũng như việc không dám nghĩ, dám làm…
Nhiều giải pháp vực dậy động lực tăng trưởng
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN
Theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, mặc dù đạt được một số kết quả tích cực trong 4 tháng năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, thách thức lớn; trong đó có 4 rủi ro, thách thức chính từ bên ngoài vẫn hiện hữu. Đó là dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác vẫn còn tiềm ẩn, nguy cơ bùng phát trở lại; căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn kéo dài; lạm phát giảm nhưng lãi suất còn ở mức cao, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, sức cầu giảm rõ rệt; sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ làm tăng rủi ro thị trường tài chính toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ trên thế giới gia tăng. Những rủi ro, thách thức này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong bối cảnh, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới còn phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề. Theo đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành trên quan điểm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trong khi vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng, đề xuất Chương trình thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; sớm có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội trong tình hình mới.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Nghị quyết của Quốc hội về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; xử lý dứt điểm những vướng mắc, bất cập trong việc chậm trễ thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng; sớm đề xuất các biện pháp xử lý vướng mắc về vốn ODA.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn, ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ Công Thương thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan khơi thông thị trường cho hàng hóa nông nghiệp...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đề xuất, để tạo động lực cho tăng trưởng, các địa phương cần nâng cao năng lực, chất lượng chỉ đạo điều hành, xử lý công việc của chính quyền địa phương các cấp, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để cán bộ công chức dám nghĩ, dám làm.
Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ, du lịch, đặc biệt là tại các trung tâm lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. Đây là động lực thứ 2 để tăng trưởng, bên cạnh công nghiệp dịch vụ, đầu tư công.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý và bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỉ giá và lãi suất.
"Điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ sẽ bám sát quan điểm điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điều này nhằm kịp thời ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách, giải pháp tài khóa, tiền tệ, chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, bảo đảm an sinh xã hội, quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực phát triển, nhất là các địa phương động lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%.
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Các bộ, cơ quan và địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
"Tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra