PCI QUẢNG NINH - ĐỘNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiểm tra tại KCN Đông Mai.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI thực hiện từ năm 2005 thuộc dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ). Đến nay, PCI trở thành thước đo đánh giá giữa các địa phương về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Và quan trọng hơn PCI đã trở thành một công cụ phản ánh rõ nét chất lượng hoạch định và điều hành chính sách của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy những thay đổi sát với thực tiễn, yêu cầu cụ thể của từng chính quyền địa phương để tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, những năm đầu tham gia PCI, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, nhưng 10 năm trở lại đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều cải thiện, hàng loạt cải cách đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện. Nhờ đó, kết quả xếp hạng PCI mang lại nhiều bứt phá. Năm 2016, Quảng Ninh đã xuất sắc vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng, tiếp tục vươn lên dẫn đầu các tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2017 và duy trì vị trí "quán quân" suốt 5 năm liên tiếp (2017-2021).
Việc Quảng Ninh liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI vừa là niềm tự hào, vinh dự, vừa là thách thức để Quảng Ninh “không ngủ quên trên chiến thắng”, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhìn lại năm 2021 có thể thấy rõ, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19, Quảng Ninh nổi lên là điểm sáng về sự chủ động trong phòng chống dịch, giữ địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới, thực hiện tốt mục tiêu kép. Quảng Ninh là địa phương đi đầu và hoàn thành sớm cả nước trong việc bao phủ vắc-xin trong nhân dân. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp được tỉnh triển khai tích cực và hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin, thành lập các tổ công tác để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với tình hình mới, xác định khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN; nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…
Nhờ đó, năm 2021, dù còn nhiều khó khăn nhưng Quảng Ninh đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh đạt 10,28%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, cao hơn nhiều lần so với GRDP của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 52.467 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh đã khiến tình hình thu hút đầu tư tại nhiều địa phương gần như “đóng băng”, nhưng Quảng Ninh vẫn thu hút được nhiều dự án với giá trị đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng với 4 dự án lớn được khởi công: Dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, dự án sân golf Đông Triều, dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. Trong năm 2021, tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt trên 360.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới đạt gần 1,2 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2020. Trên địa bàn tỉnh hiện có 145 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 8,15 tỷ USD.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng Wyndham garden Sonasea Vân Đồn.
Qua 5 năm duy trì vị trí đứng đầu cả nước, đã tạo dựng được “thương hiệu” PCI Quảng Ninh, trở thành nguồn lực và động lực để Quảng Ninh phát triển. Phát biểu tại hội nghị công bố Chỉ số PCI 2021, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: PCI không chỉ là một kênh tin cậy để lắng nghe ý kiến chia sẻ, đo lường thông tin phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mà còn là thương hiệu của địa phương, là nguồn lực, động lực phát triển nhanh, bền vững.
Để nỗ lực giữ vững chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, trong năm 2022, Quảng Ninh xác định tiếp tục chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đề cao trách nhiệm trong việc xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ. Đồng thời, tận dụng tối đa mọi cơ hội nhanh chóng chuyển đổi số toàn diện; luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm được cơ hội khác biệt.
Xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cấp phép đầu tư; kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức.
Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ duy trì thường xuyên và chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng và chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số...
Với sự nỗ lực ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đón nhiều tín hiệu vui. 4 tháng đầu năm, phát triển doanh nghiệp có bước khởi sắc với 763 đơn vị thành lập mới, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số vốn đăng ký đạt 9.364 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 36.796 tỷ đồng. Cũng trong tháng 4, tỉnh Quảng Ninh đã có 4 dự án trọng điểm tại KKT Vân Đồn được khởi công với tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng...
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam