Phát huy hiệu quả nguồn vốn FDI
Thời gian qua, tnguồn vốn FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Quảng Ninh. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2024, với nhiều giải pháp tích cực trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và xúc tiến đầu tư, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn làm bến đỗ.
KCN Cảng biển Hải Hà đã và đang trở thành địa điểm được nhiều nhà đầu tư lựa chọn để đầu tư các dự án FDI có chất lượng cao.
9 tháng năm 2024, Quảng Ninh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,7 tỷ USD. Trong đó có 2 dự án cấp mới GCNĐKĐT sau khi điều chỉnh dự án, đó là: Dự án Xưởng sản xuất vàng mã tại CCN Kim Sen (phường Kim Sơn, TX Đông Triều), vốn đầu tư 0,82 triệu USD (dự án do nhà đầu tư nước ngoài mua 100% vốn góp tại tổ chức kinh tế thực hiện dự án) và Dự án Trung tâm thương mại AEON Mall Hạ Long, vốn đầu tư hơn 214 triệu USD. Số dự án cấp mới GCNĐKĐT cao gấp 1,4 lần cùng kỳ, với tổng vốn đầu tư đăng ký từ các dự án cao hơn cùng kỳ gần 2 lần. Tỉnh cũng đã điều chỉnh GCNĐKĐT cho 48 lượt dự án, cao gấp 9,5 lần cùng kỳ 2023. Trong đó, điều chỉnh tăng vốn 19 lượt dự án với số vốn tăng thêm 207,41 triệu USD, giá trị vốn tăng cao gấp 7,8 lần cùng kỳ 2023. Các dự án được cấp mới GCNĐKĐT phần lớn thực hiện tại các KCN thuộc địa bàn TX Quảng Yên và huyện Hải Hà, đã đưa vốn FDI thu hút tại địa bàn KCN, KKT trong kỳ đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm 87,2% tổng vốn FDI trong toàn tỉnh. Trong đó có 22 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư gần 1,38 tỷ USD; 17 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng gần 204 triệu USD.
Riêng trong quý III/2024, tỉnh Quảng Ninh cấp mới GCNĐKĐT cho 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 251 triệu USD, gồm: Dự án Sản xuất sản phẩm nhựa và lắp ráp sản phẩm tại KCN Bắc Tiền Phong của Eva Limited (Hong Kong), vốn đầu tư 2 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử và gia dụng Lingrong Việt Nam tại KCN Đông Mai của Lingrong Technology HongKong Limited, vốn đầu tư hơn 34 triệu USD; dự án Trung tâm thương mại AEON Mall Hạ Long, vốn đầu tư hơn 214 triệu USD. Tỉnh cũng đã thực hiện điều chỉnh GCNĐKĐT cho 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn 3 lượt dự án với số vốn tăng 8,21 triệu USD, gồm: Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất, gia công các loại sợi, gia công thêu hoa các loại khăn, vải và trang phục tại KCN Texhong Hải Hà của Công ty TNHH Dệt Quốc Xuân Nam Thông tăng 0,2 triệu USD; dự án Baike Vehicle Việt Nam của Công ty TNHH Baike Vehicle Việt Nam tăng 4,5 triệu USD; dự án Công ty TNHH Calofic tăng 3,5 triệu USD. Tổng vốn thu hút FDI trong quý III đạt hơn 259 triệu USD, tương đương 6.032 tỷ đồng, bằng 181,8% cùng kỳ 2023 (142,54 triệu USD, tương đương 3.339,19 tỷ đồng).
Sản xuất tấm silic tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên).
Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Quảng Ninh ở 6 ngành trên tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 1,6 tỷ USD, chiếm 85,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án thu hút được trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng đạt chất lượng cao, trong đó có 3 dự án quy mô vốn đầu tư trên 200 triệu USD, gồm: Dự án Tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Texhong - Hải Hà của Gokin Solar Company Limited (Hong Kong), vốn đầu tư gần 275 triệu USD; dự án Hệ thống thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong của Foxconn Singapore Pte Ltd, vốn đầu tư hơn 287 triệu USD và dự án Sản phẩm giải trí thông minh tại KCN Sông Khoai của Foxconn Singapore Pte Ltd, vốn đầu tư gần 264 triệu USD. Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu với 23 dự án cấp mới (chiếm 85,2%) và 15 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn (chiếm 79%).
Việc các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung tại các KKT, KCN, CCN phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cũng đã cho thấy những kết quả khởi sắc. Trong 9 tháng, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đã giải ngân hơn 844 triệu USD, bằng 102,5% cùng kỳ 2023. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 4,7 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 4,2 tỷ USD. Khu vực FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 102 triệu USD, tương đương trên 1.417 tỷ đồng và hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 48.300 lao động. So với cùng kỳ năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện tăng 2,5%; tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 48,2%; kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu tăng lần lượt 8,9% và 7,5%; thu ngân sách nhà nước tăng 30,5%; tổng số lao động làm việc trong khu vực FDI tăng 13,7%.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024