Phát huy lợi thế thu hút đầu tư
Là địa phương duy nhất của Việt Nam có đường biên giới trên đất liền và trên biển giáp với Trung Quốc, là nơi hội tụ nhiều lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt, Móng Cái đã và đang phát huy những lợi thế này để phát triển KT-XH, tạo bước chuyển mình mạnh mẽ, giữ vai trò chủ đạo, là địa bàn động lực, điểm giao thoa trong chiến lược phát triển “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN.
Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Với phương châm "quy hoạch đi trước mở đường" hoạch định đường lối, nền tảng để phát triển, trên cơ sở điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Móng Cái đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành cụ thể hóa quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu chức năng của KKT Cửa khẩu Móng Cái, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Đến nay, đã có 4/9 quy hoạch phân khu chức năng được tỉnh phê duyệt, 5 phân khu chức năng còn lại đang được địa phương hoàn thiện.
Thành phố đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động một số dự án, công trình động lực như: Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên; Cảng ICD Thành Đạt; cầu Bắc Luân II và đường dẫn, hạ tầng XNK; mở rộng, nâng cấp Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 2, sử dụng nguồn vốn ADB…
Dự án khu đô thị phường Hải Hòa (giai đoạn 1) đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng.
Thành phố đặc biệt coi trọng thu hút FDI, phát triển quan hệ thương mại ổn định, bền vững với thị trường Trung Quốc, đa dạng hóa đối tác thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Các ngành và sản phẩm đột phá thuộc các lĩnh vực logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại điện tử được quan tâm chú trọng, trong đó thành phố dành quỹ đất khoảng 2.500ha để xây dựng kho, bãi, bến cảng; ưu tiên phát triển du lịch biên giới gắn với mua sắm tổng hợp dạng outlet. Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển ngành dệt may, sản xuất thực phẩm, đồ uống và sản xuất linh kiện.
Các dự án đầu tư vào KKT Cửa khẩu Móng Cái được áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cao nhất mà Nhà nước ban hành về đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước, đầu tư cho KCN, khu chế xuất, KKT cửa khẩu. Các chính sách hỗ trợ về thuế, sử dụng đất, GPMB và các hỗ trợ khác khi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn được thành phố quan tâm đặc biệt. Thành phố đã hoàn thành và đang triển khai nhiều dự án giao thông, cảng biển, hạ tầng động lực, như: Đường ven biển liên kết KKT Vân Đồn với KKT Cửa khẩu Móng Cái, đoạn từ Cầu Voi đến tỉnh lộ 335; Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh; Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh.
Cùng với đó, các tuyến giao thông trong khu vực Tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và logistic phía Nam sông Lục Lầm tại phường Hải Hòa gắn với đường dẫn cầu Bắc Luân II; nghiên cứu xây dựng cầu Bắc Luân III kết nối KKT Cửa khẩu Móng Cái và Khu thí điểm khai phát Đông Hưng (Trung Quốc) và đường bộ ven biển Hải Hà - Móng Cái... đang được thành phố tích cực chỉ đạo thực hiện.
Đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp là quan điểm nhất quán của Móng Cái. Thành phố luôn nỗ lực hành động, tạo cho các nhà đầu tư ấn tượng về sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thuận lợi về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, nhu cầu nguồn nhân lực...
Dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh đã hoàn thành hơn 70% khối lượng công việc.
Với việc vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, cạnh tranh quốc tế ở mức độ cao, tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính, TP Móng Cái đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Năm 2023, đã có 205 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 33% so với năm 2022), thu hút thêm 553 doanh nghiệp XNK (tăng 268 doanh nghiệp), nâng tổng số doanh nghiệp làm thủ tục XNK trên địa bàn lên 969 (tăng 294 doanh nghiệp so với năm 2022); thu hút mới 1 dự án dệt nhuộm vào KCN Hải Yên (Công ty TNHH Dệt nhuộm Khánh Nghiệp Việt Nam) với diện tích 0,45ha, vốn đầu tư 12 triệu USD, công suất 24.200 tấn sợi/năm.
Thành phố cũng đã làm việc với Công ty XNK Liên Thái Bình Dương đầu tư xây dựng Khu tổ hợp dịch vụ, thương mại tổng hợp; phối hợp với Ban Quản lý KKT tỉnh hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; lập hồ sơ đề nghị thực hiện một số dự án động lực như: Dự án nhà ở xã hội tại phường Hải Yên; Dự án mở rộng khu bến bãi tại Km3+4 sông Ka Long; đề xuất tỉnh bổ sung 2 CCN chế biến, chế tạo và công nghệ cao, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, phụ kiện, phụ tùng ô tô phía Nam sông Lục Lầm...
Với việc tận dụng tốt những giá trị khác biệt và cơ hội nổi trội, TP Móng Cái sẽ là điểm đến tiềm năng đầu tư để cùng phát triển và thịnh vượng.
Thái Cảnh BQN
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam