Tin tức đầu tư


Phát triển hạ tầng số đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu

26/02/2022

 

Kiểm tra hệ thống máy chủ tại 1 tập đoàn viễn thông. Ảnh: CTV

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư hạ tầng mạng viễn thông với mạng cáp quang phủ đến 100% xã, phường; phủ sóng mạng di động (2G, 3G, 4G) tới 99,8% dân số, thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh, thành phố.

Hiện cả nước có khoảng 71 triệu người dùng internet, chiếm hơn 2/3 dân số. Tốc độ dịch vụ internet băng rộng cố định đạt 68,50Mbps, đứng thứ 42/181 quốc gia, vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2020), tốc độ dịch vụ băng rộng di động (3G, 4G) đạt 35,14Mbps, đứng thứ 48/141 (tăng 9 bậc so với 2020). Đây được coi là những điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho chuyển đổi số quốc gia.

Xu thế phát triển công nghệ đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác. Do đó, các nhà mạng cũng thay đổi, chuyển dịch phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông theo hướng hạ tầng số.

Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), chiến lược VNPT 4.0 đã định vị VNPT phải trở thành doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ số hàng đầu ở Việt Nam. Do vậy, để đạt mục tiêu này, Tập đoàn đã xác lập vai trò tiên phong trong cung cấp các hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số và ứng dụng số.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông cho biết, để phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, ngay trong năm 2022, Cục Viễn thông định hướng các nhà mạng thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Cùng với đó, đặt mục tiêu 100% người trưởng thành có smartphone; 75% hộ gia đình có cáp quang; 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money; nâng thị phần dịch vụ điện toán đám mây của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40%.

Còn ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết, người dùng internet tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Năm 2012, Việt Nam mới chỉ có khoảng 30,8 triệu người sử dụng Internet. Theo số liệu thống kê gần đây tăng lên khoảng 71 triệu người. Đại dịch COVID-19 là một yếu tố tác động và góp phần định hình lại nền kinh tế Internet của Việt Nam trong thời gian tới. Trong thời gian đại dịch, nhiều người dùng có xu hướng thử nghiệm các dịch vụ số mới trong lĩnh vực giải trí, chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là đào tạo trực tuyến. Điều này có thể thấy rõ trong xu hướng tìm kiếm của người dùng Internet tại Việt Nam trong công bố mới đây của Google Year in Search 2021.

Từ thực tế này, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng: "Dữ liệu trên Internet ngày nay đang trở thành mạch máu của nền kinh tế và là động lực cho sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu trên Internet một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế đã được thực hiện tốt, tạo ra những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

"Bộ TT&TT định hướng xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, mục tiêu đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ ở Việt Nam, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế. Điều này đảm bảo cho dữ liệu Việt Nam lưu trữ tại Việt Nam khi 80% dữ liệu hiện tại có thể nằm ở các nền tảng nước ngoài", ông Phạm Đức Long cho biết.

Sưu tầm