Tin tức đầu tư


Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ - hướng đi bền vững

12/09/2022

Trên thực tế, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mà nhiều địa phương đang lựa chọn. Quảng Ninh cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Việc đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh 4.0 thực sự là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh có thể kỳ vọng phát triển mạnh nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều giải pháp cụ thể, khả thi.

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco) liên kết với người nông dân từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế cả về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lao động dồi dào với nhiều kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phẩm hữu cơ rất lớn, khi mức thu nhập của người dân tăng nhanh, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng.

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có những tín hiệu tích cực về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt các mô hình sản xuất hữu cơ đã vận dụng nguyên tắc “6 không”: Không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản, không sử dụng giống biến đổi gen, không làm đất ô nhiễm. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; 416 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm. Đặc biệt, trong đó có 45ha lúa sản xuất hữu cơ với sản lượng khoảng 122 tấn sản phẩm tại TP Uông Bí và TX Quảng Yên, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cao hơn việc trồng lúa truyền thống khoảng 1 tấn/ha, giá bán cũng cao hơn từ 10-15% so với gạo được canh tác theo hướng cũ. Từ đó mang lại thu nhập tăng từ 10-30% so với phương pháp sản xuất thông thường. Điều quan trọng là sản xuất không sử dụng thuốc diệt cỏ, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Baoquangninh.com.vn