Quảng Ninh cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh về nội dung này. Dòng vốn FDI đã khẳng định vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế nước ta. Vậy với Quảng Ninh, vai trò này được thể hiện như thế nào, thưa ông? Quảng Ninh đã xác định rõ xu hướng phát triển hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút FDI là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hút được dòng vốn FDI chất lượng sẽ giúp Quảng Ninh nhanh chóng mở rộng và tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động. Đồng thời, việc này thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo thuận lợi để gắn kết nền kinh tế trong nước với hệ thống sản xuất, phân phối, trao đổi quốc tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế... Thu thút FDI không đơn thuần là vốn, mà kèm theo đó là những công nghệ, kỹ thuật cao, phương thức quản lý tiên tiến. Thông qua tiếp nhận dòng vốn FDI, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn có điều kiện thuận lợi để thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thích nghi nhanh hơn với các thay đổi trên thị trường thế giới… Vai trò của các doanh nghiệp FDI cũng đã được khẳng định thêm trong khoảng 2 năm qua, nhất là trong năm 2021, khi tổng vốn FDI vào địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế toàn tỉnh đạt trên 1 tỷ USD (tương đương gần 25.000 tỷ đồng), tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020 và bằng 269% kế hoạch thu hút vốn FDI của năm, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của Quảng Ninh. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến, chế tạo tại các khu công nghiệp giữ được ổn định, tăng năng lực sản xuất, đóng góp quan trong vào GRDP của tỉnh. Quảng Ninh luôn mong muốn mời gọi, thu hút đầu tư FDI thế hệ mới vào những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế, tiềm năng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Lãnh đạo tỉnh luôn cam kết tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị. Các nhà đầu tư thành công, phát triển bền vững, lâu dài tại Quảng Ninh sẽ chia sẻ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển song hành. Rõ ràng, dòng vốn FDI đã tác động tích cực tới sự phát triển của địa phương. Vậy để khai thác tốt những tác động có lợi đó, Quảng Ninh đã có chiến lược gì trong thu hút dòng vốn này? Xuất phát từ quan điểm kinh doanh quốc tế, từ góc nhìn của nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ninh nhận định, một trong những chiến lược quan trọng nhằm thu hút nguồn vốn FDI là tập trung cải thiện Chỉ số Phát triển cơ sở hạ tầng. Chỉ số này ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Quảng Ninh cạnh tranh với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hải Phòng và các tỉnh liền kề Hà Nội, như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…). Nhận diện được hạ tầng giao thông có ảnh hưởng quan trọng tới thu hút đầu tư FDI, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai và đưa vào sử dụng hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm như đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng cái, sân bay Vân Đồn, đường kết nối Khu công nghiệp Việt Hưng với Quốc lộ 18, đường kết nối các khu chức năng thuộc Khu kinh tế Vân Đồn… Bên cạnh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, tỉnh Quảng Ninh xây dựng quy hoạch và thúc đẩy các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; kết nối giao thông thuận tiện; áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh tạo dựng môi trường sống và môi trường làm việc hấp dẫn (bệnh viện, trường học, các dịch vụ giải trí…) để tạo sức hút với người lao động, nhà đầu tư khi đến Quảng Ninh đầu tư và sinh sống. Đây cũng là giải pháp để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực - vốn là một trong những điểm nghẽn của Quảng Ninh. Ngoài những nỗ lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng “cứng” và “mềm”, Quảng Ninh cũng đang thay đổi công tác xúc tiến đầu tư. Nhanh chóng hoàn thiện danh mục các dự án thu hút đầu tư và danh mục dự án, địa bàn hạn chế không thu hút đầu tư nước ngoài. Xác định đối tác, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong giai đoạn sắp tới là các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Singapore, EU, Trung Đông; các công ty nhỏ và vừa (đối với ngành công nghiệp hỗ trợ) trong và ngoài nước có định hướng chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài tại Quảng Ninh. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Vậy Quảng Ninh có những lợi thế cạnh tranh khác biệt nào để có thế tự tin đón được các “đại bàng” về “làm tổ” tại địa phương, thưa ông? Theo tôi, đó chính yếu tố vị trí địa lý mà Quảng Ninh sở hữu. Quảng Ninh là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu. Quảng Ninh cũng ở điểm đầu khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, trong khung khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc; khu vực trung chuyển, giao lưu hàng hóa, khoa học công nghệ lớn giữa Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và Đông Nam Á. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Quảng Ninh ngày càng đồng bộ, hiện đại và có bước phát triển đột phá, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược. Đến nay, Quảng Ninh đã có 176 km đường cao tốc đi qua (chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước), rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn 1,5 giờ và đến TP. Móng Cái chỉ còn 3 giờ di chuyển. Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân của Tập đoàn Sun Group) giúp kết nối Quảng Ninh với thế giới một cách nhanh nhất. Quảng Ninh cũng đang sở hữu lực lượng lao động trẻ (51% lực lượng lao động có độ tuổi 15 đến 39) và có trình độ tay nghề cao (38,3% có bằng đại học và sau đại học). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Năng suất lao động xã hội năm 2021 đạt 351,2 triệu đồng/người, gấp 1,8 lần bình quân chung cả vùng (198,5 triệu đồng/lao động), là địa phương có năng suất lao động (GRDP/lao động) cao nhất. Quảng Ninh còn có tổng diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước, với 2 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, 16 khu công nghiệp. Các khu kinh tế, khu công nghiệp của Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao tốc, tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa; các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu của Quảng Ninh đều được Chính phủ cho phép hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Là một trong những trung tâm sản xuất điện lớn nhất Việt Nam, các nhà đầu tư đến Quảng Ninh sẽ yên tâm với nguồn năng lượng dồi dào. Hàng năm, Quảng Ninh sản xuất khoảng 39 tỷ kWh điện và đóng góp khoảng 16% tổng sản lượng điện cả nước. Quảng Ninh còn đang triển khai các nguồn năng lượng “xanh”, như điện khí LNG, điện gió và điện sinh khối. Đặc biệt, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh đứng vị trí quán quân 5 năm liên tiếp (2017 - 2021) và 9 năm liên tiếp (2013-2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) duy trì 4 năm liên tiếp (2017 - 2020) đứng đầu cả nước. Điều này phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá rất cao. Trong thời gian qua, nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả, như Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư (Quang Ninh Investor Care)... |
Bài viết cùng chuyên mục
- Từ ngày 1/11/2024, Quảng Ninh chính thức có 5 thành phố
- Phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Quảng Yên
- TP Hạ Long: Quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng
- Tạo cơ hội kết nối giao thương cho doanh nghiệp
- Móng Cái: Hơn 1,3 triệu tấn hàng hóa XNK qua các cửa khẩu, lối mở trong 9 tháng đầu năm 2024
- Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc tìm hiểu đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- “Nước rút” đón 3 triệu khách quốc tế
- Nhanh chóng khôi phục hạ tầng giao thông bị hư hỏng
- UBND tỉnh làm việc với Agribank, bàn giải pháp hỗ trợ khách hàng