Tin tức đầu tư


QUẢNG NINH - CHIA SẺ VÀ ĐỒNG HÀNH, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP

23/12/2021

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Quảng Ninh đã vận hành cao nhất cơ chế phòng chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương với các kịch bản, quy trình phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống nảy sinh theo Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3, là địa phương có số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 trong cả nước nhưng chỉ trong vòng hơn một tuần, tỉnh đã nhanh chóng chặn đứng được đà lây lan nhanh của dịch bệnh. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4, dù đã xuất hiện hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhập, nhưng nhờ chiến lược thần tốc xét nghiệm, truy vết, sử dụng tối đa công nghệ thông tin hỗ trợ, tỉnh Quảng Ninh đã chặn đứng mọi nguồn lây, “khóa chặt ca bệnh”, nhanh chóng “làm sạch địa bàn''. Có thể nói việc khống chế và kiểm soát được tình hình dịch Covid-19 của tỉnh trong thời gian qua là nguồn động lực lớn nhất cho doanh nghiệp yên tâm phát triển trên địa bàn tỉnh.

Zalo

Ngày 17/12, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021 với chủ đề “Quảng Ninh - Hội tụ và lan tỏa”.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, tạo địa bàn xanh cho hoạt động của doanh nghiệp, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều cam kết với doanh nghiệp như là giải quyết nhanh chóng thủ tục về đầu tư, GPMB, cấp phép để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cá nhân triển khai dự án; tận dụng mọi cơ hội an toàn dịch bệnh để thúc đẩy, kích cầu dịch vụ, du lịch; triển khai phương án đón khách du lịch đã tiêm phòng Covid-19 khi đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cho phép. Ngay khi dịch diễn biến phức tạp, Quảng Ninh đã phân bổ hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19 cho lao động trong lĩnh vực vận tải, giao nhận, du lịch, nhà hàng, khách sạn, siêu thị…; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh an toàn.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hỗ trợ như: Nghị quyết số 256/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 286/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 316/2020/NQ-HĐND... về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch, tạo cơ hội để các doanh nghiệp có cơ hội khôi phục ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Đặc biệt, ngày 3/12/2021 UBND tỉnh tiếp tục có Tờ trình số 8764/TTr-UBND về việc ban hành một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 6 (ngày 9/12/2021) HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó đã có những chính sách về hỗ trợ, miễn, giảm phí tham quan Vịnh Hạ Long, phí tham quan Bảo tàng Quảng Ninh, phí tham quan Khu di tích và danh thắng Yên Tử; hỗ trợ vé tuyến xe buýt...

Tỉnh cũng đã xây dựng Đề án và Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chương trình cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm "làm đúng, làm nhanh, làm tốt" Đặc biệt, công tác hỗ trợ giải quyết các thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp được triển khai với cách làm mới, nhanh, rút ngắn thời gian, nhất là các thủ tục đầu tư về đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, bảo vệ môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất... đã được giải quyết nhanh chóng, thúc đẩy thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sau đầu tư.

Zalo

IPA - Cơ quan thường trực Quảng Ninh Investor Care tiếp xúc các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hạ Long, tháng 9/2021.

Tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chuyên đề, lĩnh vực. Đồng thời, thành lập các Tổ công tác đặc biệt để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh như là thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ Công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Tổ Investor Care) để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, GPMB..., hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập các tổ công tác đôn đốc, hỗ trợ triển khai 4 dự án động lực, quan trọng trên địa bàn tỉnh là: Tổ công tác hỗ trợ các dự án của Tập đoàn Thành Công, Tổ công tác hỗ trợ triển khai Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, Tổ công tác hỗ trợ triển khai các Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN trên địa bàn TX Quảng Yên.

Song song với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính được đẩy mạnh với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Đến nay, tổng số TTHC thực hiện ở Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là 1.370, số TTHC thực hiện quy trình giải quyết theo nguyên tắc 5 tại chỗ là 1.000/1.321, đạt 76%; đã cung cấp được 1.712/1.831 TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, trong đó có 1.387 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt 75%), tương ứng với 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cung cấp 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 75%)...

Quảng Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp số tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; triển khai xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022. Trong công tác thanh tra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4412/QĐ-UBND ngày 26/11/2020 và 4745/QĐ-UBND ngày 23/12/2020 phê duyệt và điều chỉnh Kế hoạch thanh tra năm 2021 của tỉnh nhằm đảm bảo thống nhất trong thanh kiểm tra, hạn chế chồng chéo trong thanh kiểm tra doanh nghiệp. Ngày 10/8/2021, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 2649/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp năm 2021. Từ đó, điều chỉnh giảm 41 cuộc thanh tra, 316 cuộc kiểm tra, 135 cuộc kiểm tra liên ngành nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, tập trung ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ đầu tư linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh

Cùng với đó, công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới, hiệu quả và thích ứng nhanh, linh hoạt với các chỉ đạo của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19. Điển hình là tỉnh đã thành lập tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa và Trung tâm Chỉ huy, Bộ phận Thường trực của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại trụ sở UBND tỉnh, đứng đầu là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.

Zalo

Tỉnh Quảng Ninh chính thức ra mắt Quảng Ninh Investor Care, ngày 2/7/2021.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã kịp thời thông tin, tuyên truyền và ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 15/7/2021 triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn; đáng lưu ý là việc triển khai ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn tại Quyết định số 2313/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 nhằm hỗ trợ nhanh nhất cho doanh nghiệp.

Đến ngày 6/12/2021, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho tổng số 5.665 doanh nghiệp, 430.780 người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền 638.670,65 triệu đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 41 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay số tiền 6 tỷ đồng trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 1.617 lượt người lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, theo đó hỗ trợ 100% học phí năm học 2021-2022 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh, với số tiền hỗ trợ khoảng trên 138 tỷ đồng.

Quảng Ninh cũng nâng cao hiệu quả giải quyết vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức như là thường xuyên và chủ động gặp gỡ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị (1 Hội nghị Tỉnh ủy làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tháng 2; 2 Hội nghị Gặp gỡ doanh nghiệp vào tháng 8 và tháng 10; 2 Hội nghị trực tuyến Chính phủ vào tháng 8 và tháng 10). Qua đó gặp gỡ với hơn 2.000 doanh nghiệp, giải quyết 80 đề xuất kiến nghị. Lãnh đạo tỉnh định kỳ hằng quý, 6 tháng tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chủ trương định kỳ thứ 7 hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ chủ trì cùng các sở, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức các Phiên Cafe doanh nhân/các cuộc gặp trực tiếp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với từng lĩnh vực cụ thể. Đặc biệt, cách làm mới trong hỗ trợ các dự án đầu tư trọng điểm là công tác chỉ đạo sát sao, gắn với kiểm tra, đôn đốc tại thực địa dự án của các lãnh đạo tỉnh, qua đó đã chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề của các dự án đầu tư.

Zalo

Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2022.

Thực tế cho thấy, trong năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt. Từ đó, có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp phù hợp tình hình mới, tạo việc làm cho người lao động. Ông Johnny Tanis, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, chia sẻ: Năm 2021 là năm khó khăn của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Song, chúng tôi rất may mắn và cảm ơn sự đồng hành của tỉnh Quảng Ninh, nhất là trong việc hỗ trợ đưa các chuyên gia nước ngoài đến phục vụ công tác bảo dưỡng các tổ máy. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để mua, nhập khẩu các trang thiết bị phụ tùng thay thế chuẩn bị cho công tác bảo dưỡng trong bối cảnh dịch bệnh. Nhờ đó, chúng tôi đã huy động được nhiều chuyên gia từ Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia đến nhà máy để phục vụ công tác bảo dưỡng, góp phần nâng công suất, đảm bảo chỉ tiêu được giao.

Tính đến 15/11/2021 toàn tỉnh có 1.827 đơn vị thành lập mới (trong đó 1.240 doanh nghiệp và 587 đơn vị trực thuộc), tăng 1,4% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong năm có 876 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Ước cả năm 2021 có 2.000 đơn vị đăng ký thành lập mới, đạt chỉ tiêu kế hoạch giao. Hết năm 2021, toàn tỉnh có tổng số hơn 16.800 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 295.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh. Nhờ đó, năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm của Quảng Ninh ước đạt 10,28%, gấp nhiều lần tốc độ trung bình của cả nước, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 51.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, là một trong số ít các địa phương dẫn đầu cả nước.

Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, phấn đấu đưa tỉnh sớm trở lại trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ 2 chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và chiến lược khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; trước mắt, triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Hà Chi - Báo Quảng Ninh