Tin tức đầu tư


Quảng Ninh nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản

19/11/2021

Ngày 23/10/2017 Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...). Trong hơn 4 năm qua, cùng với các địa phương có biển trong cả nước, Quảng Ninh quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

“Ghi điểm” về quản lý tàu cá lớn

Khu vực cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) sau đợt gió mùa chuyển lạnh đầu tháng 11/2021, nhiều tàu cá chuẩn bị rời cảng để ra khơi khai thác thủy sản, hay vào cảng để nhập nguyên liệu và bốc dỡ sản phẩm đánh bắt. Tất cả các chủ tàu này đều phải làm việc với Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng, để được cấp lệnh.

Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng mới được thành lập và đi vào hoạt động được gần 1 năm nay.

Anh Lưu Văn Duy, cán bộ Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng, cho biết: Văn phòng mới được thành lập và đi vào hoạt động được gần 1 năm nay. Đây là nơi làm việc của lực lượng liên ngành thủy sản, biên phòng, cảng vụ, ban quản lý cảng…, có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, quản lý tàu cá về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận ATTP, việc ghi chép nhật ký sản xuất; thực hiện các thủ tục hành chính cho tàu cập cảng, rời cảng trên cơ sở các tàu cá đủ điều kiện cấp; bố trí vị trí cho tàu bốc dỡ sản phẩm khai thác và nhập nhiên, nguyên vật liệu tại cảng; theo dõi quá trình vận hành thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khi trên biển, kịp thời phát thông báo khi các tàu cá có dấu hiệu xâm phạm vùng biển nước ngoài...

Việc thành lập và đi vào hoạt động Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng là một trong những động thái cần thiết, thể hiện cố gắng của Quảng Ninh để gỡ “thẻ vàng” IUU. Nhất là trong điều kiện hạ tầng cảng, bến Cái Rồng chưa hoàn thiện, chưa được bàn giao và công bố như hiện nay. Trong 11 tháng qua, Văn phòng đã thực hiện các khâu kiểm soát trên 1.200 lượt tàu lớn ra, vào cảng; trên 1,7 triệu kg sản lượng thủy sản đã được bốc xếp tại cảng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi dần ý thức, buộc các chủ tàu khai thác thủy sản thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến khai thác, buôn bán thủy sản tại bến Cái Rồng thời gian qua cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận của Quảng Ninh.

Cùng với các hoạt động trên, Quảng Ninh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 209/209 tàu khai thác thủy sản tuyến khơi có chiều dài trên 15m. Đây cũng là một trong những quy định bắt buộc của EC nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

TX Quảng Yên là địa phương có số tàu buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhiều nhất tỉnh, với 89 chiếc. Từ tinh thần quyết tâm khắc phục "thẻ vàng" IUU, đồng hành cùng chủ tàu, thị xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ tàu; giới thiệu cho các chủ tàu về đơn vị sản xuất thiết bị, các nhà mạng vận hành thiết bị để chủ tàu chủ động giao dịch; ứng cho vay một số chủ tàu có khó khăn về tài chính để trang trải chi phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình…

Khai thác thủy sản có trách nhiệm, bền vững, giá trị cao

Cùng với những hoạt động quản lý tàu cá chặt chẽ nói trên, thời gian qua Quảng Ninh là một trong những địa phương làm rất tốt công tác bảo vệ, tái tạo, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Chỉ thị số 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) của BTV Tỉnh ủy "Về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”; trong đó quy định rất rõ những nghề cấm, ngư cụ cấm, hành vi trong khai thác thủy sản, trách nhiệm, khung xử lý vi phạm. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã xử lý gần 2.400 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 12 tỷ đồng, bằng 19,3% tổng tiền phạt trong lĩnh vực này của cả nước. Cùng với đó Quảng Ninh đặt mục tiêu thả giống thủy sản về tự nhiên, nhằm tái tạo nguồn lợi mỗi năm ít nhất trên 3 triệu con tôm, cá các loại, từng bước phục hồi, làm giàu, xuất hiện trở lại nhiều đàn thủy sản với số lượng lớn, chủng loại quý, giá trị cao.

Lực lượng chức năng TX Quảng Yên giám sát các tàu cá cỡ lớn trên địa bàn để vận động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

 

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng hậu cần nghề cá, trong đó có các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, được tỉnh quan tâm. Đến thời điểm này Quảng Ninh đã xác định 11 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, trong đó đã xây dựng hoàn thiện 8 khu, 2 khu trong đó đã được công bố hoạt động, 2 khu được xây dựng theo quy mô kết hợp hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá.

Riêng Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) là công trình lớn của tỉnh, giá trị đầu tư gần 200 tỷ đồng, quy mô là nơi neo đậu cho 1.200 tàu cá, diện tích sàn mặt cảng gần 1ha, đáp ứng nhu cầu bốc dỡ hàng hóa thủy sản. Công trình này khi đi vào sử dụng sẽ là điểm cộng của Quảng Ninh trong phát triển thủy sản, cũng như góp phần khắc phục "thẻ vàng" IUU.

Mặc dù đã đạt được những kết quả khá khả quan nói trên, song mục tiêu chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tại Quảng Ninh vẫn còn việc cần phải làm ngay. Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), riêng về hạ tầng nghề cá, hiện Quảng Ninh chưa có các cảng cá hoàn thiện, được công nhận và công bố đủ điều kiện hoạt động; qua đó chưa có cơ sở để thực hiện việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác hay xác nhận nguyên liệu thủy sản, một trong những yêu cầu đưa ra của EC.

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý các phương tiện tàu cá có hành nghề cấm trong khai thác thủy sản.

Cùng với đó, số lượng tàu cá dưới 12m do cấp huyện, cấp xã quản lý chưa được đăng ký, đăng kiểm, cấp biển số khá lớn; từ đó không có giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận ATTP, không ghi chép nhật ký sản xuất, sản phẩm khai thác ra không xác định được nguồn gốc… Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý tàu cá, mà nguyên nhân có phần do lịch sử để lại, hiện nay cần phải được xử lý dứt điểm.

Khắc phục IUU, hoàn thành gỡ “thẻ vàng” chính là điều kiện để cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng, phát triển thủy sản có trách nhiệm, bền vững, giá trị cao, người dân được hưởng lợi, kinh tế thủy sản tăng trưởng. Trước nhất là thủy sản trong nước không bị hạn chế xuất khẩu vào cộng đồng châu Âu, tiếp tục hưởng những ưu đãi về thủy sản do EC quy định, trong đó có những ưu đãi thuế.

Việt Hoa (Báo Quảng Ninh)