Quảng Ninh quyết tâm đảm bảo tăng trưởng 2 con số
Năm 2021 là năm thứ 2 Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên với quan điểm, chiến lược đúng đắn, khoa học; chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã từng bước chuyển đổi trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch để ổn định phát triển KT-XH, giữ vững đà tăng trưởng, hoàn thành "mục tiêu kép".
Sản xuất mũ xuất khẩu tại nhà máy Công ty WeiTai, Tập đoàn Vĩnh Trọng (KCN Việt Hưng).
Theo đó, 9 tháng năm 2021, Quảng Ninh vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,5%), là một trong 4 địa phương tăng trưởng đứng đầu toàn quốc. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 36,2% so với cùng kỳ, vượt 14,7% kịch bản, là động lực tăng trưởng chính cho khu vực công nghiệp, bù đắp cho sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, du lịch do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nhờ giữ vững vùng xanh an toàn nên tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư mới, nổi bật là ngày 24/10 vừa qua, Quảng Ninh đã đồng loạt khởi công, khởi động chuỗi 4 dự án với tổng mức đầu tư gần 13 tỷ USD. Riêng các dự án FDI cũng đã thu hút đạt trên 1 tỷ USD.
Giai đoạn 3 tháng cuối năm, theo nhận định của nhiều chuyên gia, dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt, đặc biệt tại Quảng Ninh đã bắt đầu xuất hiện những ca F0 di chuyển từ những tỉnh, thành khác về. Điều này sẽ tiếp tục tác động và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch và thu ngân sách trên địa bàn. Vì vậy, Quảng Ninh cần tranh thủ, tận dụng mọi cơ hội khi đang là vùng xanh an toàn, xây dựng kế hoạch kịch bản chi tiết cho từng lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,7% cùng kỳ; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 26,4% cùng kỳ; khu vực dịch vụ tăng 7,4% cùng kỳ; thuế sản phẩm tăng 11,7% cùng kỳ...
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng, tỉnh đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản để rà soát chính xác, đầy đủ về sản lượng. Từ đó, tiến hành hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, vận tải, kết nối tiêu thụ đảm bảo nhanh chóng, thông suốt, hiệu quả, không để ách tách, cản trở hàng hóa lưu thông.
Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành hỗ trợ tối đa cho ngành Than, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường tiêu thụ, tăng sản lượng tồn kho nhằm tăng tối đa sản lượng khai thác. Riêng ngành động lực tăng trưởng mới là ngành chế biến, chế tạo, Quảng Ninh sẽ tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp dệt may, loa, màn hình tivi, thân mũ... tăng năng suất, sản lượng; chủ động nắm tình hình, kịp thời giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm ở một số dự án sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến, chế tạo.
Thi công hầm xuyên núi dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Lĩnh vực xây dựng sẽ được điều hành theo hướng quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án công, phấn đấu đưa thêm 3 công trình động lực vào khai thác: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, trong đó cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ là công trình quan trọng để phát huy lợi thế các cửa khẩu, tạo ra cực tăng trưởng mới.
Song song với đó, tỉnh cũng cần tích cực tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới để kịp thời có các giải pháp đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến, đặc biệt với các nước trên thế giới để quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh.
Riêng ngành du lịch, bám sát diễn biến của dịch bệnh để có những giải pháp phù hợp, chuyển từ chiến lược “Zero Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, tập trung vào công tác “hậu kiểm”, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, để có kế hoạch thích ứng an toàn; lấy du lịch nội địa, du lịch nội tỉnh làm trọng tâm khai thác với những sản phẩm du lịch mới; triển khai phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát tốt gắn với thực hiện các chính sách kích cầu du lịch của tỉnh.
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam