Quảng Ninh: Tổ chức Hội nghị phân tích chuyên sâu về PCI, PGI, PAR INDEX, SIPAS
Với những nỗ lực, đồng hành của các cấp chính quyền, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PCI, PGI tiếp tục dẫn đầu toàn quốc, là năm thứ 7 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PCI, năm thứ 6 tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (năm 2018 - 2020, năm 2022, 2023), là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019 - 2023) và năm đầu tiên dẫn đầu Chỉ số PGI.
Kế thừa và tiếp tục phát huy thành quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức phân tích chuyên sâu về các chỉ số. Qua đó nhận định và đưa ra phương hướng, giải pháp duy trì, giữ vững kết quả các Chỉ số trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Quảng Ninh đã có 7 năm liên tiếp (2017-2023) dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI; 11 năm liên tiếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước; 5 năm liên tục giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019 - 2023), 6 năm dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (2017 - 2020 và 2022 - 2023).
Đây là một chặng đường kiên trì, nỗ lực trong xây dựng thương hiệu Quảng Ninh trở thành “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công” gắn liền với quá trình không ngừng nâng cao chất lượng cải cách hành chính - một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Đại hội XI của Đảng mà tỉnh đã thực hiện trong suốt thời gian qua. Và từ đó, Quảng Ninh đã định hình hệ giá trị địa phương với 6 đặc trưng cơ bản: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Qua hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký bày tỏ cảm ơn sự đồng hành, sự chia sẻ, hỗ trợ và sự đánh giá khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về tiến trình cải cách, đổi mới của tỉnh.
Đó là động lực để Quảng Ninh tiếp tục tiến lên phía trước, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực bền bỉ để hướng đến mục tiêu người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, doanh nghiệp phát triển, đất nước phát triển và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trở thành địa phương kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Chuyên gia đưa ra phân tích các chỉ số thành phần của Quảng Ninh. |
Tại hội nghị, theo các chuyên gia, dù Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu PCI, PAR INDEX, SIPAS, PGI, xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt”, tuy nhiên, một số chỉ số thành phần chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Một số chỉ tiêu mặc dù đã có sự cải thiện tăng điểm, hoặc tăng hạng nhưng nhìn chung vẫn ở thứ hạng chưa cao so với các địa phương trên cả nước, còn nhiều dư địa để cải cách. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đặc biệt là cơ quan đầu mối các chỉ số thành phần và các cơ quan chủ trì các chỉ tiêu còn chưa thực sự nhuần nhuyễn và thường xuyên.
Để đạt mục tiêu giữ vững vị trí trên bảng xếp hạng, các chuyên gia, đại biểu dự hội nghị đã thẳng thắn phân tích, đưa ra một số gợi ý, tham góp để Quảng Ninh tiếp tục cải thiện bền vững các chỉ số thành phần, nâng cao các chỉ số.
Phát biểu kết luận, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, kết quả các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PGI đã phản ánh đúng sự chủ động, quyết tâm, quyết liệt, sự đoàn kết của các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đang có xu hướng chững lại, còn một số chỉ số chưa thực sự bền vững, có chỉ số giảm điểm, giảm hạng so với các năm trước. Điều này càng thôi thúc Quảng Ninh phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa để giữ vững được thứ hạng, thương hiệu Quảng Ninh trong những năm tiếp theo.
Ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu kết luận hội nghị. |
Đối với Quảng Ninh, chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PGI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, bởi trong suốt một thập kỷ qua cũng là giai đoạn tỉnh Quảng Ninh thực hiện thành công các đột phá, phát triển toàn diện, ổn định. Duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10% trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023).
Riêng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 11,03%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt trên 9.500 USD, cao nhất ở khu vực phía Bắc; tổng thu ngân sách nhà nước, nhất là thu nội địa luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Quý I/2024, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Quảng Ninh vẫn giữ vững đà tăng trưởng GRDP của địa phương là một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc, đạt 8,79%.
Đồng thời hoàn thành nhiều mục tiêu về văn hóa xã hội con người theo chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”./.
Bài viết cùng chuyên mục
- Khai thác hiệu quả trục cao tốc dọc tỉnh
- Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2025
- Hạ Long tập trung hiện thực hóa các quy hoạch
- Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài
- Triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược
- Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024
- Phấn đấu thu xuất nhập khẩu đạt kỷ lục
- Tập trung xây dựng và phát triển thành phố Đông Triều
- Kết nối, đồng hành cùng các nhà đầu tư nghiên cứu dự án công nghiệp, cảng biển, logistics gắn với tăng trưởng xanh
- AMATA City Hạ Long tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc