Quyết tâm đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số
Năm 2023 được đánh giá có những khó khăn chưa từng có từ đầu nhiệm kỳ đến nay, song Quảng Ninh vượt qua và lập kỳ tích giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 2 con số trong 9 năm liên tiếp, dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, gấp đôi bình quân chung cả nước; thu hút vốn FDI đạt 3,13 tỷ USD, đứng đầu cả nước; khách du lịch đạt kỷ lục với 15,5 triệu lượt... Nối tiếp đà phát triển, trên quan điểm kế thừa và phát triển, Quảng Ninh đang tiếp tục chuẩn bị cho bước chạy đà mới, với quyết tâm năm 2024 là năm thứ 10 liên tiếp tăng trưởng 2 con số.
Biến thách thức, khó khăn thành động lực
Như nhiều địa phương khác trong cả nước, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, Quảng Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức chưa từng có, nền kinh tế suy giảm, số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh; hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại và du lịch bị đình trệ; ngành công nghiệp khai khoáng liên tiếp gặp khó khăn buộc phải giảm sản lượng; giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Đây cũng là thời điểm tỉnh phải triển khai đồng thời khối lượng công việc rất lớn, chưa kiện toàn đủ lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh...
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm, động viên cán bộ, công nhân ngành Than.
Đứng trước bối cảnh đó, tiếp nối đà tăng trưởng hai con số trong 8 năm liên tiếp, với tư duy kiến tạo, đồng thuận và kế thừa, nhận định rõ những cơ hội để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu đánh thức những tiềm năng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bao trùm, toàn diện... Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023", khai thác vị trí địa chiến lược, lợi thế vượt trội, đi trước một bước của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại để triển khai các kế hoạch và mục tiêu tăng trưởng mới.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện quản lý, phân bổ có hiệu quả nguồn lực; quyết liệt triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược; ưu tiên tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; đẩy mạnh kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu gắn kết cùng các phong trào thi đua yêu nước, phát huy dân chủ và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, ý chí tự lực, tự cường, kiên định, nhất quán mục tiêu, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thử thách... tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể, gắn trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương trong triển khai, bằng những cách làm bài bản, khoa học thông qua việc chủ động lựa chọn mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, khả thi, xác định rõ lộ trình, tiến độ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Để khơi thông "điểm nghẽn" tạo bứt phá cho công nghiệp, xây dựng, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các buổi làm việc với từng đơn vị cụ thể, qua đó nắm bắt khó khăn, có nhiều biện pháp, hành động đồng hành, chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp trên quan điểm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, nhất là một số ngành nghề là động của tăng trưởng. Cùng với đó, việc chủ động mở cửa sớm ngành du lịch đã tạo cú huých để Quảng Ninh tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao...
Dự án nhà ở xã hội đồi Ngân hàng (TP Hạ Long) đang được đầu tư, xây dựng.
Với sự nhạy bén, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, chủ động điều chỉnh, khắc phục những khó khăn, tồn tại... Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2023. Điểm nhấn đó là tăng trưởng kinh tế đạt 11,03%, gấp đôi bình quân chung cả nước và lần đầu tiên dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng; quy mô nền kinh tế đạt trên 315.000 tỷ đồng, thu NSNN đạt trên 55.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 3,13 tỷ USD, dẫn đầu cả nước.
Năm 2023 cũng đánh dấu những bứt phá trong phát triển văn hóa, xã hội, con người Quảng Ninh trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025, đặc biệt là hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương và nâng chuẩn nghèo gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh.
Những kết quả này càng khẳng định vai trò, vị trí, vị thế, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Niềm tin mới, khí thế mới
Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV vừa diễn ra với mục tiêu hoạch định và thống nhất nhiệm vụ cho năm 2024. Tại kỳ họp, đa số đại biểu HĐND tỉnh đều nhận định, năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường thế giới vẫn còn hiện hữu, nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh chung đó, Quảng Ninh không nằm ngoài vòng quay của những khó khăn, thách thức. Điều này buộc tỉnh phải chuẩn bị chu đáo, hành động ngày từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.
Trên tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 176/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 với 12 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường và xác định chủ đề năm là: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, UBND tỉnh đang triển khai xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ gắn với hành động cụ thể trong thực hiện nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, là năm thứ 10 liên tiếp đạt tăng trưởng 2 con số, một kỳ tích, kỷ lục mới của Quảng Ninh. Cùng với đó là thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, toàn diện; đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD...
Song song với đó, là đẩy mạnh xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh sẽ thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than. Đồng thời, phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Cùng với đó là tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng...
Đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn (TP Hạ Long) hoàn thành thi công sẽ kết nối vùng thấp với vùng cao, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thông qua việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đối tượng trợ cấp; chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế; đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nước sạch sinh hoạt, nhất là người dân vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... nhằm cải thiện chất lượng môi trường và các điều kiện sống của nhân dân.
Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2024, Quảng Ninh đang rất tích cực rà soát, tìm giải pháp cụ thể cho từng phần việc với quyết tâm cao nhất. Đây cũng là kỳ vọng, mong muốn của người dân về sự phát triển của tỉnh, tự hào về thành tựu 60 năm xây dựng, phát triển và kỳ vọng vào những đột phá mới trong những giải pháp nhằm “giữ lửa” tăng trưởng cho năm thứ 10 liên tiếp.
Đỗ Phương BQN
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam