Sẵn sàng cho những thành công, bứt phá mới
Khí thế đầu xuân
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chứng kiến lễ rót tấn than đầu tiên cho 2 tàu "xông cảng" đầu Xuân năm mới 2022.
Cùng với cả nước, Quảng Ninh vừa đi qua những ngày Tết cổ truyền thật đặc biệt. Với quyết tâm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui tươi, an lành, đầm ấm, các cấp, các ngành đã thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp ngăn ngừa, ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, cung ứng hàng hóa, chăm lo Tết cho nhân dân. Các chỉ đạo, hành động kịp thời, phản ứng nhanh, mạnh mẽ hơn với dịch Covid-19 đã được triển khai như không tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa, dừng các hoạt động văn hóa văn nghệ tập trung đông người…Nhiều lực lượng đã làm việc xuyên Tết để kiểm soát tình hình. Người dân trên địa bàn tỉnh nêu cao ý thức chống dịch, tự giác đeo khẩu trang, có ý thức giữ khoảng cách tại nơi công cộng, hạn chế đi lại. Nhờ đó, đến nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn đang được kiểm soát hiệu quả, người dân được đón tết an lành.
Kỳ nghỉ Tết kết thúc cũng là lúc các cơ quan, công sở, những cơ sở sản xuất, kinh doanh bắt đầu hoạt động trở lại. Ngay từ những ngày đầu xuân mới, không khí ra quân, lao động sản xuất đã diễn ra sôi nổi, phấn khởi tại hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng khí thế đó, trên đồng ruộng, người nông dân hồ hởi bắt tay vào công việc đồng áng, chăm sóc cây trồng, đẩy mạnh sản xuất vụ Chiêm Xuân. Các ngành, địa phương đã quay lại công việc với thái độ nghiêm túc. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đã chủ động bắt tay ngay vào việc, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính. Sự nỗ lực, khí thế lao động sôi nổi ấy đã mang đến niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lô hàng linh kiện điện tử trị giá gần 2,4 triệu USD thông quan qua cửa khẩu Cầu Bắc Luân II ngày 5/2. (Ảnh Hữu Việt)
Điển hình như ngành Than, thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2022, sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, các đơn vị trong Tập đoàn đã tổ chức khai Xuân, phát động thi đua sản xuất, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, sản lượng ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Trong niềm hy vọng về một năm sản xuất kinh doanh thuận lợi, Phó Tổng Giám đốc TKV - ông Nguyễn Ngọc Cơ cho biết: “Năm 2022, TKV đặt mục tiêu sản xuất trên 41 triệu tấn than, tăng 1,9 triệu tấn so với năm 2021; than tiêu thụ từ 43-45 triệu tấn. Với sự đồng hành, ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, TKV sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp chủ động, linh hoạt trong phòng dịch đi đôi với sản xuất; quyết tâm đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác gắn liền với bảo vệ môi trường. Bằng kinh nghiệm 2 năm thực hiện thành công mục tiêu kép, chúng tôi tin tưởng, bước sang năm mới, thợ mỏ Tập đoàn sẽ tiếp tục phát huy tinh thần Kỷ luật và Đồng tâm, vượt khó, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”.
Để hoàn thành các mục tiêu lớn, các địa phương, đơn vị đã sớm xây dựng các giải pháp, chương trình hành động cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện hoàn thành đạt và vượt kế hoạch, tạo đà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cả nhiệm kỳ.
Ngay từ sáng sớm ngày 6/2, cán bộ kỹ thuật và công nhân Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh đã đóng tôm giống xuất đi thị trường tỉnh Thanh Hóa.
Với khí thế quyết tâm ngay từ những ngày đầu năm mới, ở vùng đất địa đầu Móng Cái, không khí thi đua lao động sản xuất cũng rất sôi nổi. Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành uỷ Móng Cái, chia sẻ: Trong năm mới, thành phố quyết tâm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, phát huy tốt vai trò của người đứng đầu từ thành phố đến cơ sở trong việc đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tiếp tục chuyển tải và lan tỏa khát vọng đổi mới của thành phố đến cán bộ, đảng viên, nhân dân; lấy hiệu quả công việc chính là “thước đo lòng dân”, giải quyết hài hòa lợi ích “Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp”. Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, thành phố xác định các trụ cột và cơ cấu phát triển kinh tế là: Dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp; khai thác tối đa tất cả các lợi thế của địa phương về dịch vụ cửa khẩu, thương mại, du lịch biên giới, dịch vụ cảng biển, hậu cần cảng biển, logistics cấp vùng. Phát huy hiệu quả những giá trị khác biệt về địa kinh tế, chính trị của Móng Cái, phối hợp chặt chẽ với TP Đông Hưng (Trung Quốc) trong công tác phòng, chống dịch khu vực biên giới, củng cố niềm tin chiến lược, xây dựng "vùng xanh an toàn" thích ứng với chiến lược "Zezo Covid" bên bạn, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh XNK thông thương hàng hóa; triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch chung xây dựng KKT Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040, gắn với tiếp tục đề xuất Đảng, Nhà nước, tỉnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, mô hình quản lý cho phù hợp đối với KKT Cửa khẩu Móng Cái. Đặc biệt là phải bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững hòa khí, chủ động đấu tranh nhanh chóng, hiệu quả tình hình biên giới, không để bị động, bất ngờ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Tương tự như vậy, ngay sau dịp nghỉ Tết nguyên đán, không khí ra quân, lao động sản xuất tại các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cũng diễn ra sôi nổi, phấn khởi. Các dây chuyền sản xuất đều hoạt động hết công suất, đảm bảo vận hành an toàn, khai thác hiệu quả thiết bị công nghệ. Khí thế sản xuất đầu năm công nhân đều tích cực làm việc thi đua đảm bảo đúng thời gian hoàn thành sản phẩm, các lô hàng đã ký kết với những đối tác lớn. Tiêu biểu tại Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long (Khu Công nghiệp Hải Yên, TP Móng Cái) dự kiến năm 2022, Công ty phấn đấu sản xuất hơn 149.000 tấn sợi dệt các loại. Hiện nay, Công ty đã có nhiều giải pháp nhằm quan tâm, chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống cho công nhân. Cùng với đó, công tác phòng chống dịch Covid-19 được triển khai thực hiện nghiêm túc, góp phần hoàn thành “mục tiêu kép” của tỉnh, thành phố, vừa chống dịch vừa đảm bảo sản xuất trong tình hình mới.
Những ngày đầu xuân mới, du khách thập phương tấp nập hành hương du xuân Yên Tử.
Quyết tâm cán đích với những mục tiêu cao
Với khát vọng vươn lên không ngừng cùng với hành động thiết thực, chủ động khẩn trương ngay từ đầu năm, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng cho những bứt phá thành công. Phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh đầu xuân vào sáng ngày 6/2, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cũng nhấn mạnh, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh bắt tay ngay vào công việc với tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả; tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa phương thức làm việc phù hợp tình hình mới đảm bảo tiến độ, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tuyệt đối không để đình trệ công việc, không để lỡ hẹn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến lợi ích của nhân dân trong thời gian sau Tết.
Năm 2022 là năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025, tỉnh Quảng Ninh có những thời cơ, thuận lợi mới, đan xen khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, khó lường. Tuy nhiên vượt qua những thách thức với tư duy đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ, tỉnh đã sẵn sàng cho lộ trình năm 2022 với kỳ vọng những bước đột phá lớn hơn. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 25/11/2021) về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 với chủ đề công tác “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”. Trong đó, Quảng Ninh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%; tổng thu ngân sách không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD; tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; 100% đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới...
Các đại biểu cắt băng khánh thành Cầu Tình Yêu.
Đây là những chỉ tiêu cao, lại trong bối cảnh tác động từ dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất lớn, chắc chắn sẽ đặt ra cho Quảng Ninh không ít thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm vốn có, Quảng Ninh hoàn toàn tự tin có thể hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra. Đó là tư duy nhạy bén, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, cùng niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Kinh nghiệm năng lực, khả năng ứng phó với dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được nâng lên, giúp tỉnh giữ vùng xanh an toàn để phát triển KT-XH.
Các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá, đà tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh năm 2022 vẫn còn rất lớn. Cơ sở cho những nhận định này chính là môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, Quảng Ninh đang dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các KKT, KCN cũng được dự báo có nhiều nhân tố thuận lợi cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Hiện Quảng Ninh đã và đang tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại làm nền tảng phát triển mạnh mẽ cho các năm tới đây.
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, Quảng Ninh tiếp tục khởi công nhiều công trình mới, có ý nghĩa động lực, như: Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, Cảng Vạn Ninh (TP Móng Cái)... sẽ tạo ra các cơ hội đầu tư để thu hút các nhà đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp theo định hướng của tỉnh nhằm góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Cùng với đó, các KCN trên địa bàn cũng đang tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, mở rộng diện tích đầu tư hạ tầng (KCN Texhong Hải Hà, KCN Đông Mai, KCN Việt Hưng); KCN Sông Khoai được đầu tư hoàn thiện hạ tầng giai đoạn I, đã thu hút được các dự án lớn của Tập đoàn Jinko Solar và tiếp tục thu hút nhà đầu tư thứ cấp trong năm 2022. Một số tập đoàn lớn đã hiện diện trong các KCN của tỉnh như Foxconn, TCL, Vĩ Trọng, Huyndai Thành Công, Jinko Solar... sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ. KKT ven biển Quảng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với các cơ chế chính sách ưu đãi áp dụng đối với KKT ven biển sẽ tạo ra khu vực phát triển năng động và là động lực mới cho phát triển KT-XH của tỉnh và các khu vực lân cận...
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đặt ra nhiều khó khăn và thách thức, do đó, để biến các mục tiêu thành hiện thực, không có cách nào khác là tất cả các cấp, các ngành và người dân đều phải cố gắng, đồng sức, đồng lòng. Quyết tâm ấy được thể hiện từ chính tinh thần, thái độ bắt tay ngay vào việc của mỗi người, mỗi ngành, địa phương từ những ngày đầu năm mới. Đây chính là động lực quan trọng củng cố vững chắc niềm tin, sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, tạo khí thế mới để toàn tỉnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2022 và của cả giai đoạn.
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam