Tin tức đầu tư


Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công trung hạn

27/05/2024

Đến thời điểm này, vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được tỉnh tích cực triển khai, tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn vốn “mồi” thu hút đầu tư ngoài ngân sách.

Cầu Bình Minh nối đôi bờ vịnh Cửa Lục (TP Hạ Long) được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Cầu Bình Minh nối đôi bờ vịnh Cửa Lục (TP Hạ Long) được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách cấp tỉnh được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 76/NQ-HĐND (ngày 9/12/2021) là 60.871 tỷ đồng. Đến nay, sau khi đã điều chỉnh 5 lần, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh trên 62.370 tỷ đồng.

Hiện nguồn vốn được phân bổ trên 41.770 tỷ đồng cho các dự án, công trình (năm 2021 là trên 11.140 tỷ đồng, năm 2022 là trên 10.500 tỷ đồng, năm 2023 trên 10.220 tỷ đồng và năm 2024 trên 9.900 tỷ đồng), đạt 67% tổng kế hoạch vốn trung hạn ngân sách cấp tỉnh sau điều chỉnh; số vốn còn lại dự kiến sẽ được phân bổ kế hoạch năm 2024-2025.

Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, tổng nguồn vốn ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách địa phương (khoảng 55%); tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này năm sau đều cao hơn năm trước. Nếu như năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 91,4%, thì đến hết năm 2023, tỷ lệ giải ngân đạt 92% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm, góp phần khơi thông điểm nghẽn, đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thu hút đầu tư, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra động lực, không gian phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế...

CDC Quảng Ninh được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

CDC Quảng Ninh được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được tỉnh bố trí có trọng tâm, trọng điểm, tập trung các công trình có tính động lực cao, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Đến nay, nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí xử lý dứt điểm đối với 118 dự án hoàn thành và 58 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 chuyển sang giai đoạn 2021-2025 với nhu cầu vốn ngân sách tỉnh trên 12.320 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nguồn vốn trung hạn 2021-2025 cũng đã bố trí cho 116 dự án, đến nay đã khởi công và hoàn thành 43/116 dự án, đang triển khai thực hiện 67/116 dự án (dự kiến có 27 dự án hoàn thành trong năm 2024), còn lại 6/116 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024.

Ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Việc bố trí vốn đầu tư công cấp tỉnh trung hạn cho các dự án, công trình được tỉnh tính toán thận trọng, không dàn trải, chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ điều kiện khởi công, có tính chất trọng điểm, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển KT-XH. Từ đó, giá trị đầu tư mỗi dự án cũng cao hơn giai đoạn trước. Giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư trung bình mỗi dự án là gần 405 tỷ đồng/dự án, gấp hơn 2,18 lần so với giai đoạn 2016-2020; tính riêng các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách tỉnh, có mức đầu tư trung bình trên 753 tỷ đồng/dự án.

Trường THCS Hải Hà đang được tích cực triển khai thi công. Ảnh: Mạnh Trường

Trường THCS Hải Hà (huyện Hải Hà) đang được tích cực triển khai thi công.

Nguồn vốn đầu tư công trung hạn được bố trí hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng động lực, vùng khó khăn và bảo đảm cơ cấu hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực. Riêng đối với các dự án giao thông, nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí 31.567 tỷ đồng, gấp 1,86 lần so với giai đoạn 2016-2020. Khu vực các địa phương miền Tây của tỉnh giai đoạn 2021-2025 được bố trí 35.074 tỷ đồng; miền Đông được bố trí 24.489 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 được bố trí, đến nay hạ tầng giao thông, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội, giáo dục… từ thành thị đến vùng khó khăn, biên giới, hải đảo của tỉnh đã được đầu tư hoàn thiện đồng bộ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, hoàn thiện các tiêu chí để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Mạnh Trường (Báo Quảng Ninh)