Tin tức đầu tư


TÁC ĐỘNG CỦA LẠM PHÁT ĐẾN NGÀNH LOGISTICS

18/05/2022

Lạm phát đang khiến giá vận chuyển tăng cao trong 2 năm qua, buộc các doanh nghiệp phải tăng giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 8,5%, đánh dấu mức tăng phần trăm lớn nhất từ năm 1981. Trước đó, từ giữa năm 2021, tờ Logistics Management đã phân tích tác động của lạm phát đối với chuỗi cung ứng và hoạt động logistics. Theo đó, lạm phát đã cản trở lĩnh vực này ở các vấn đề: tắc nghẽn cảng và tồn đọng container nhập khẩu, lao động dư thừa, giá nhiên liệu...

Lạm phát ảnh hưởng đến logistics ở các vấn đề: tắc nghẽn cảng và tồn đọng container nhập khẩu, lao động dư thừa, giá nhiên liệu... Ảnh: CNBC

Một cuộc khảo sát độc giả của Logistics Management về 100 bên liên quan đến vận tải hàng hóa, chuỗi cung ứng và logistics khẳng định lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến mọi bước, từ quan điểm hoạt động và kinh doanh. Cụ thể, 92% người tham gia khảo sát đang bị ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát hiện tại.

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang thiết lập tăng lãi suất nhằm dập tắt hoặc làm chậm lại sự gia tăng của lạm phát, họ vẫn còn phải xem xét biện pháp này đủ hay không. Dave Ross, Phó chủ tịch điều hành của Roadrunner Freight, một nhà cung cấp dịch vụ logistics nhận thấy những thứ mọi người đang mua đắt hơn so với một năm trước, điển hình giá thuê kho và giá xăng tăng mạnh.

"Điều tương tự cũng xảy ra đối với chi phí hàng hóa, một phần do giá vận chuyển tăng cao trong 1,5 năm qua khiến các nhà bán lẻ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá bán sản phẩm", ông Dave Ross nói. Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, điều đó có nghĩa là mọi người không còn chi tiêu mạnh tay và mua nhiều hàng hóa như trước. Rất nhiều công ty logistics mới được thành lập nhưng hầu như không ai nhận ra điều đó vì nhu cầu tăng và chuỗi cung ứng quá tắc nghẽn. Giá nhiên liệu đang tăng cao, rõ ràng sẽ làm chậm nền kinh tế.

Glenn Koepke, chuyên gia của Network Collaboration nhận thấy, một cách quan trọng để các doanh nghiệp đối phó với lạm phát là trở lại lập kế hoạch trong vài tháng để giảm thiểu rủi ro trong vận chuyển vào phút cuối, bất kể đường biển, đường hàng không hay đường bộ. Gần đây, chi phí nhiên liệu tăng tới 30%, bằng mức khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.

"Một trong những điểm mấu chốt của ngành công nghiệp logistics là tính nhất quán giúp chúng tôi lên kế hoạch dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu biết mỗi tuần có 5 chuyến hàng từ cảng Los Angeles đến khu vực Chicagoland, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển sẽ dễ dàng trong quá trình lập kế hoạch cho từng chuyến", ông Ross cho biết.

Khả năng dự đoán là một trong những yếu tố cơ bản được các doanh nghiệp và chuyên gia đang cố gắng đạt. Tuy nhiên, rất nhiều công ty không thể dự đoán hoặc thói quen của người tiêu dùng, nhà cung cấp đang thay đổi...

Lạm phát có khả năng vẫn diễn ra trong những tháng tới và ảnh hưởng rõ ràng đến chuỗi cung ứng trên nhiều mặt khác nhau, như dữ liệu khảo sát của Logistics Management và ý kiến từ ông Ross, ông Koepke cũng nhấn mạnh. Điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp lúc này là bình tĩnh và có cách tiếp cận, tính toán với từng tình huống, đồng thời, họ nên thực hiện các điều chỉnh nếu cần.

Thanh Thư (theo Logistics Management)