Tin tức đầu tư


Tăng cao chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

11/12/2023

Quảng Ninh luôn xác định lấy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nguồn lực tăng trưởng mới trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Ngay từ những ngày đầu năm 2023, các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến đầu tư vào địa bàn cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những doanh nghiệp đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ đầu năm đến nay tăng cao so với năm 2022.

Sản xuất sản phẩm sợi dệt tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Liên hợp (KCN Cảng biển Hải Hà). Ảnh: Mạnh Trường

Sản xuất sản phẩm sợi dệt tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Liên hợp (KCN Cảng biển Hải Hà).

Riêng trong tháng 11/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh tăng 51,05% so với tháng 11/2022. Nguyên nhân tăng được xác định trong tháng 11 là Công ty TNHH Jinko Solar tại KCN Sông Khoai sản xuất thêm sản phẩm mới là tấm quang năng. Như vậy, sau khoảng 2 năm đầu tư vào tỉnh, Công ty TNHH Jinko Solar đã sản xuất, tiêu thụ ra thị trường sản phẩm tấm quang năng, một trong những sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến có nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ngoài sản phẩm tấm quang năng, trong 11 tháng năm 2023, sản xuất thiết bị điện của các doanh nghiệp tăng 352,36%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 191,51%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 104,39%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 58,83%; sản xuất trang phục tăng 45,90%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 19,54%; dầu đậu nành tinh luyện tăng 15,6%; bia đóng chai tăng 17,0%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 73,5%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 16,5%. Cùng với đó, thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên tăng 58,8%; tấm sàn Vinil Tines tăng 279,7%; loa tăng 28,9%; tấm Silic tăng 43,9%; giường bằng gỗ các loại tăng 150,0%; tủ bằng gỗ khác (trừ tủ bếp) tăng 95,1%; nến, nến cây tăng 19,6%; vòng tay thông minh đạt gần 1,2 triệu cái; vải dệt kim hoặc móc có khổ rộng không quá 30cm đạt 13,8 triệu m2.

Sản xuất dầu thực vật tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. Ảnh: Mạnh Trường

Sản xuất dầu thực vật tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân. 

Ngoài những sản phẩm có giá trị tăng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chứng kiến sự sụt giảm của một số sản phẩm so với năm 2022, như: Sợi xe từ các loại sợi tự nhiên giảm 4,4%; vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên giảm 3,2%; vải dệt thoi từ sợi bông tổng hợp giảm 28,7%; giày, dép có đế hoặc mũ bằng da giảm 12,0%. Theo các sở, ngành liên quan, sự sụt giảm này không đáng lo ngại, các ngành hàng này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới khi mà hàng dệt may tiêu thụ ở các nước châu Âu có xu hướng tăng trở lại, nhiều đơn hàng được ký kết mới và quá trình hoàn thành việc sửa chữa nhà xưởng sản xuất của Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Từ kết quả đạt được của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã góp phần nâng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng của tỉnh tăng 10,08% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh năm 2023 đạt 11,03%.

Trong tháng cuối năm, chỉ tiêu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đặt ra là tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của các sản phẩm đã được tạo dựng từ đầu năm; đồng thời sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để sản xuất bột mì đạt 50.000 tấn, quần áo đạt 2 triệu cái, thân mũ đạt 6,9 triệu cái…, từ đó góp phần đảm bảo hoàn thành kịch bản tăng trưởng kinh tế như kế hoạch UBND tỉnh đã xây dựng từ đầu năm.

Mạnh Trường BQN