TĂNG CƯỜNG THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Tập đoàn Amata tại Quảng Ninh và Tập đoàn KDDI (Nhật Bản) trao biên bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị XTĐT các doanh nghiệp Nhật Bản vào tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Theo số liệu thống kê, năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn các KCN, KKT toàn tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, tương đương gần 25.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2020 và đạt 269% kế hoạch thu hút vốn FDI của năm. Trong đó, thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án FDI, với số vốn đăng ký trên 960 triệu USD, tương đương hơn 22.200 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho 17 lượt dự án FDI, trong đó có 4 dự án tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt gần 112 triệu USD, tương đương 2.701 tỷ đồng. Hai năm gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, phương thức xúc tiến đầu tư (XTĐT) cũng đã được đổi mới theo hướng ưu tiên tập trung XTĐT tại chỗ và XTĐT tại điểm đến Quảng Ninh thay vì tổ chức các đoàn ra nước ngoài. Đồng thời, thay đổi phương thức XTĐT từ “trực tiếp” sang “trực tuyến”, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác XTĐT như tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo trực tuyến; làm việc với nhà đầu tư và cung cấp thông tin qua điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng họp trực tuyến; thường xuyên cập nhật thông tin trên website XTĐT để phát triển website trở thành một kênh tham khảo thông tin hữu ích về đầu tư tại Quảng Ninh. Điển hình từ đầu năm 2022, IPA Quảng Ninh đã triển khai trọng tâm công tác XTĐT với đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc qua các hội nghị xúc tiến tại chỗ, xúc tiến trực tuyến trao đổi với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Cụ thể, tháng 2, IPA đã tổ chức chương trình gặp gỡ đầu xuân và làm việc với JETRO Hà Nội, lãnh đạo các cơ quan xúc tiến của Nhật Bản, Hàn Quốc; tháng 4, IPA Quảng Ninh đã tổ chức làm việc với Ngân hàng Sumitomo Mitsui banking Corporation Nhật Bản Chi nhánh Việt Nam về kế hoạch hợp tác và XTĐT tỉnh Quảng Ninh; làm việc với tổ chức JETRO Hà Nội về giới thiệu nhà đầu tư… IPA Quảng Ninh làm việc trực tuyến với Ngân hàng Sumitomo (Nhật Bản) tìm hiểu về kế hoạch hợp tác và XTĐT tỉnh Quảng Ninh. Qua trao đổi và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh, ông Lee Jong Seob, Chủ tịch KOTRA Khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc KOTRA Hà Nội nhận định: Quảng Ninh là địa bàn có định hướng, chiến lược với tư duy và tầm phát triển rõ ràng bởi sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh và là nơi hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế có thể thu hút được các dòng vốn đầu tư lớn từ Hàn Quốc. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có mong muốn tái cơ cấu chuỗi cung ứng, có nhu cầu mở rộng và đa dạng hóa chuỗi sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp sản xuất có định hướng xuất nhập khẩu bởi kết nối giao thông thuận tiện với các thị trường quốc tế lớn của khu vực thông qua hệ thống đường cao tốc, sân bay, cảng biển… đồng bộ. Thời gian tới, kỳ vọng tỉnh Quảng Ninh có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn nhân lực, quỹ đất cho các dự án; quan tâm nghiên cứu mô hình khu công nghiệp – đô thị dành riêng cho các doanh nghiệp Hàn Quốc để thu hút nhà đầu tư và các nhà cung cấp, doanh nghiệp phụ trợ để hình thành chuỗi dự án có quy mô lớn, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang có 12 dự án có nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc còn hoạt động, với tổng số vốn hơn 123 triệu USD; có 6 dự án đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 45,4 triệu USD. Theo đại diện IPA Quảng Ninh, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp mời gọi, XTĐT đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản vào Quảng Ninh. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng bộ tài liệu xúc tiến chuyên sâu, đổi mới, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, ấn phẩm XTĐT chuyên sâu bằng ngôn ngữ Nhật, Hàn dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, logistics. Đồng thời với đó, tích cực tiếp cận và bám sát nhà đầu tư thông qua vai trò của các Tổ công tác Hỗ trợ đầu tư của tỉnh (Investor Care) và Bộ phận Hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk), Bộ phận Hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc (Korea Desk); tìm hiểu, kết nối với các đối tác cụ thể và thực sự tiềm năng để tổ chức các đoàn đi XTĐT tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Quảng Ninh kỳ vọng thông qua hoạt động xúc tiến tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ là “đòn bẩy” để thực hiện thu hút các nhà đầu tư lớn từ các thị trường khác trong và ngoài khu vực. |
Bài viết cùng chuyên mục
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
- Sớm triển khai cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330