Tin tức đầu tư


Tăng tính bền vững từ phát triển khu công nghiệp sinh thái

21/06/2024

Trong xu thế phát triển kinh tế hiện nay, các khu công nghiệp (KCN) đóng vai trò đầu tàu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện nền kinh tế xanh, bền vững, việc “xanh hóa” những "đầu tàu" là yêu cầu tất yếu, trong đó việc xây dựng, hình thành các KCN sinh thái được coi là giải pháp tối ưu, nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống.

Công nhân Công ty TNHH Competittion Team Technology Việt Nam (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên) đóng gói sản phẩm. Ảnh: Hạ An

Quảng Ninh là một trong số địa phương sớm triển khai quy hoạch và thực hiện đầu tư phát triển KCN, KKT của khu vực miền Bắc. Năm 1997, tỉnh thành lập KCN Cái Lân đầu tiên tại TP Hạ Long. Đến nay, tỉnh thành lập thêm 8 KCN, 2 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu. Quảng Ninh là một trong số ít địa phương trên cả nước tại thời điểm này có đồng thời cả 3 mô hình: KCN, KKT ven biển và KKT cửa khẩu. Trong các KCN, KKT của tỉnh hiện có tổng số 318 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực, gồm 120 dự án FDI và 198 dự án có vốn đầu tư trong nước. Riêng đối với địa bàn các KCN đã thu hút được 141 dự án đầu tư (cả các dự án hạ tầng KCN) trong đó có 103 dự án FDI và 38 dự án có vốn đầu tư trong nước. Các KCN góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 41.000 lao động trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Các KCN thu hút được một số nhà đầu tư FDI lớn, có năng lực, kinh nghiệm đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, như: Autoliv (Thụy Điển), Amata (Thái Lan); Jinko, TCL, Texhong (Trung Quốc); Foxconn (Đài Loan); Bumjin (Hàn Quốc); Toray, Yazaky (Nhật Bản)...

Các dự án trong KCN đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bước đầu hình thành các chuỗi ngành công nghiệp dệt may công nghệ cao, chuỗi ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, tổ hợp công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện ô tô… Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023), trên địa bàn tỉnh được quy hoạch phát triển 23 KCN với tổng diện tích quy hoạch là trên 19.000ha.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế cho thấy nhiều dự án đang vận hành tại các KCN đều thuộc nhóm ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường (sản xuất giấy, nến, dệt nhuộm, dăm gỗ...). Mặt khác, do được hình thành từ rất sớm, nhiều dự án có máy móc công nghệ lạc hậu nên tình trạng ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn, mùi còn xảy ra cục bộ tại một số KCN. Về hiệu quả, các KCN cũng chưa khai thác hết năng lực và phát huy hết vai trò của mình khi tỷ lệ lấp đầy của các KCN chưa cao, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường nhiều nơi còn không đồng bộ.

KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên) cơ bản hoàn thành hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Lê Nam

Để tăng tính bền vững của sản xuất công nghiệp, mô hình KCN sinh thái đã được Chính phủ nêu tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (ngày 28/5/2022) quy định về quản lý KCN và KKT, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường. Hiện nay, trên cả nước đã có 7 KCN đang thực hiện chuyển đổi sang KCN sinh thái dưới sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là KCN Hòa Khánh (TP Đà Nẵng), KCN Khánh Phú (tỉnh Ninh Bình), KCN Trà Nóc 1 và 2 (TP Cần Thơ), KCN Đình Vũ (TP Hải Phòng), KCN Amata (tỉnh Đồng Nai) và KCN Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh).  

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn trước mắt, các mô hình KCN, KKT tiếp tục là công cụ đắc lực để các địa phương phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Do đó, việc phát triển các KCN sinh thái là giải pháp tối ưu, nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn thay thế kinh tế tuyến tính truyền thống. Hơn nữa, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, hiện các chủ đầu tư hạ tầng KCN, như: Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong (chủ đầu tư KCN Bắc Tiền Phong), Công ty CP KCN Tiền Phong (chủ đầu tư KCN Nam Tiền Phong) và Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long (chủ đầu tư KCN Sông Khoai) đều mong muốn được áp dụng kinh nghiệm chuyển đổi sang KCN sinh thái.

KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) hiện đang xây dựng kế hoạch phương án để triển khai việc chuyển đổi sang KCN sinh thái. Ảnh do Amata Hạ Long cung cấp

Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long cho biết: Rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp trên thế giới đã đưa tiêu chí phát triển bền vững trong lựa chọn đầu tư của họ vào KCN. Phát triển KCN sinh thái nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà máy và cộng đồng vì lợi ích chung liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn. Hiện Công ty đang xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp và các hoạt động cụ thể để triển khai việc chuyển đổi sang KCN sinh thái, đáp ứng các tiêu chí dựa trên bộ chỉ tiêu theo khung quốc tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, việc chuyển đổi sang KCN sinh thái ở Quảng Ninh nói riêng và trên cả nước nói chung vẫn còn những khó khăn, thách thức, mấu chốt vẫn là ở cơ chế, chính sách. Trong đó, việc quy định những chính sách ưu đãi hỗ trợ cho KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ vẫn mang tính tổng quan và khó áp dụng vào thực tiễn, chưa có những thông tư hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, cần bổ các sung quy định về KCN sinh thái để đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan. Đặc biệt, Công ty rất mong có sự phối hợp của các bộ, ban, ngành bổ sung tháo gỡ các quy định liên quan để có căn cứ triển khai các giải pháp chuyển đổi sang KCN sinh thái đáp ứng các tiêu chí cụ thể theo quy định. Nếu những khó khăn này sớm được tháo gỡ và có các quy định cụ thể, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện chuyển đổi sang KCN sinh thái hiệu quả và bền vững.

Hoàng Nga