Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Dù giải ngân vốn đầu tư công sau 10 tháng rất tích cực, nhưng vẫn còn khoảng 300.000 tỷ đồng nữa cần được triển khai thực hiện và giải ngân cho đến thời điểm tháng 1/2024 - khi niên hạn ngân sách 2023 kết thúc.
Giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến mạnh mẽ. Trong ảnh: Công trình cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Đức Thanh
Chuyển biến tích cực
Không chỉ là “tích cực”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dùng cụm từ “chuyển biến mạnh mẽ” khi báo cáo Chính phủ về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2023.
“Giải ngân vốn đầu tư công đã chuyển biến mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực; đồng thời, mở rộng năng lực sản xuất, góp phần tạo động lực tăng trưởng và phát triển trong trung và dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Số liệu từ Bộ Tài chính, ước đến cuối tháng 10/2023, giải ngân vốn đầu tư công là trên 401.860 tỷ đồng, đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn tới 5,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 (51,34%). Trong đó, chỉ riêng tháng 10/2023, số vốn giải ngân đã lên tới trên 56.165 tỷ đồng, cao hơn nhiều con số trên 40.000 tỷ đồng của bình quân 10 tháng.
“Kết quả trên cho thấy những các giải pháp, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của các tổ công tác, đoàn công tác của Chính phủ để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, cũng như sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công trên cả nước đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Năm ngoái, cùng thời điểm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt trên 297.774 tỷ đồng. Như vậy, xét về con số tuyệt đối, giải ngân vốn đầu tư công của 10 tháng năm nay cao hơn 10 tháng năm ngoái trên 100.000 tỷ đồng.
Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công nói chung, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2023 cho thấy, ước giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đến ngày 31/10/2023 đạt 72.477 tỷ đồng, tương đương 58,7% kế hoạch vốn năm 2023 đã được các bộ, cơ quan, địa phương phân bổ chi tiết.
Tỷ lệ này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là đã có “chuyển biến tích cực hơn” so với tháng 9/2023 (46,1%).
Các con số là tích cực, nhất là khi cho tới thời điểm này, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương giải ngân đạt trên 60% kế hoạch. Tuy vậy, vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước.
Hơn thế, do vốn đầu tư công năm nay được bố trí lớn (hơn 700.000 tỷ đồng), nên thời gian 3 tháng còn lại (tính đến hết tháng 1/2024, thời điểm niên hạn ngân sách 2023 kết thúc), phải giải ngân tới trên 300.000 tỷ đồng. Nếu dựa vào mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, là giải ngân 95%, tức ít nhất là 676.000 tỷ đồng, thì vẫn còn tới trên 274.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được đưa vào nền kinh tế. Một áp lực không nhỏ, nhất là khi trong số này có một ngân khoản không nhỏ của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, cần phải giải ngân hết trong năm nay.
Tăng tốc giải ngân đầu tư công
Áp lực đặt ra là rất nặng nề, do vậy, trong chặng đua nước rút, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.
“Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2023 được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh, với Chương trình Phục hồi cũng vậy. Thời gian còn lại thực hiện Chương trình rất ngắn, khối lượng vốn còn lại của Chương trình cần giải ngân nhiều, do vậy, các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục, nỗ lực giải ngân tối đa kế hoạch vốn của Chương trình.
Ước đến cuối tháng 10/2023, giải ngân vốn đầu tư công là trên 401.860 tỷ đồng, đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn tới 5,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022 (51,34%). |
Liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu cũng đã nhấn mạnh việc phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) lo lắng khi không chỉ các địa phương, mà giờ các bộ, ngành trung ương cũng gặp khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, cần tập trung thúc đẩy.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì nhắc tới những khó khăn, bất cập về vật liệu đắp nền, nguy cơ cảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia. “Việc cấp phép khai thác vật liệu từ các địa phương còn mất nhiều thời gian. Ngay cả những khu vực mỏ, vật liệu, quy hoạch được giao cho nhà thầu để thực hiện thủ tục cấp phép khai thác cũng rườm rà, rắc rối”, ông Hoàng Đức Thắng nói.
Đây chính là một trong những vấn đề “nóng” trong thời gian gần đây, khiến một số dự án, kể cả dự án trọng điểm quốc gia gặp khó khăn trong triển khai. Chính phủ đã có nhiều giải pháp, nhưng tình hình chưa được cải thiện nhiều.
“Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của nhà đầu tư, nhà thi công xây lắp”, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị.
Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hoà) sốt ruột trước việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chưa được như kỳ vọng. Theo đại biểu Lê Hữu Trí, thời gian qua, nhiều dự án vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm, kéo dài thời gian thực hiện. Hàng năm, số chuyển nguồn ngân sách nhà nước lớn, thậm chí phát sinh thêm chi phí, gây lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.
“Trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất trả phí cam kết, thì đây là một nghịch lý. Hiện nay và trong tương lai, việc huy động nguồn vốn vay ODA vay ưu đãi nước ngoài sẽ ngày càng khó khăn hơn với những điều kiện không thuận lợi về tài chính, lãi suất... Vì vậy, việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công”, đại biểu Lê Hữu Trí bày tỏ.
Nhìn ở góc độ dài hơi hơn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cũng đã “hiến kế” để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. “ Đối với từng dự án phải xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra”, đại biểu Nguyện Thị Lệ nói và cho rằng, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ dự án đầu tư công, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân dự án là vướng mắc trong công tác giải phóng pháp mặt bằng. Do vậy, cần tập trung tháo gỡ vấn đề này.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương phải coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, để tập trung thúc đẩy giải ngân, cũng như siết chặt kỷ cương, kỷ luật đầu tư công.
Theo Báo Đầu tư
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam