Tin tức đầu tư


Tăng trưởng xanh - nền tảng phát triển bền vững

14/06/2024

Từ địa phương có nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác than, sau hơn 10 năm nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trên quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”… Đến nay, Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo; địa phương dẫn đầu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).

Tự hào thành quả Chỉ số Xanh 

Ngày 9/5, tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các doanh nghiệp, người dân vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, Quảng Ninh đứng đầu bộ chỉ số danh giá này sau 1 năm chính thức VCCI tổ chức công bố. Điều này, thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong điều hành, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường dưới góc nhìn thực tiễn từ các doanh nghiệp và người dân.

Quảng Ninh vinh dự nhận danh hiệu là tỉnh dẫn đầu chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết: Từ bốn chiều cạnh để xây dựng lên chỉ số PGI như cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ quyết liệt của chính quyền; chất lượng thực thi các chính sách môi trường; mức độ tuân thủ quy định về xả thải; ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp… cho thấy Quảng Ninh có sự quyết tâm, quyết liệt và mạnh mẽ trong việc ứng xử với môi trường. Điều này tạo nền tảng quan trọng để tỉnh tiến bước, hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi, hiện nay môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững, nhằm giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Do vậy, với những cách làm, giải pháp của tỉnh trong gắn kết phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng…, Quảng Ninh xứng đáng với vương vị dẫn đầu PGI.

Với định hướng kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh, Quảng Ninh đã nỗ lực trong chuyển đổi xanh dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại… Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hướng tới phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và là mục tiêu của sự phát triển; tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trên quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Không gian núi, rừng xanh ngút ngàn tại Thôn Cao Thắng, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu).

Cách làm này của Quảng Ninh đã nhanh chóng tác động đến nhận thức, ý thức trách nhiệm công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư; từ đó, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh. Cách làm này góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; đưa Quảng Ninh trở thành một địa phương thành công trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh" và đi đầu trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Chứng minh cho những chỉ đạo, quan điểm, cách làm đúng, Quảng Ninh đã nhanh chóng khẳng định được thương hiệu khi giữ vị trí dẫn đầu PGI. Vị trí này khẳng định sự hội tụ niềm tin, cảm nhận, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với những nỗ của một chính quyền năng động và sáng tạo bằng những giải pháp đồng bộ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, đi đầu trong đổi mới.

Đây cũng là thông điệp rất rõ ràng của tỉnh trong việc đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; cam kết đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường hiện nay được Việt Nam tuyến bố tại Hội nghị lần thứ 26 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Anh vào năm 2021.

Hành trình “xanh hóa” nền kinh tế

Giai đoạn trước năm 2012, khu vực công nghiệp - xây dựng của Quảng Ninh vẫn là lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế khi chiếm 52% cơ cấu kinh tế. Khi đó, tổng thu ngân sách địa phương đạt 20.000 tỷ đồng, trong đó thu từ than và đất chiếm tới gần 65% thu nội địa. Trong khi ngành kinh tế nhiều tiềm năng như du lịch chỉ chiếm 2,6%, chủ yếu từ thu phí tham quan Vịnh. Mặc dù, đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển của tỉnh, nhưng khoáng sản là hữu hạn, đi cùng với đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Ngành Than nỗ lực cải tiến công nghệ trong sản xuất than.

Trên cơ sở xác định những mâu thuẫn, thách thức trong quá trình phát triển, năm 2012, Quảng Ninh xác định triết lý phát triển là “Chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" dựa trên ba trụ cột là thiên nhiên, văn hóa, con người”. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là sự đổi mới tư duy mang tầm nhìn chiến lược, "chìa khóa" mấu chốt, tiền để mở ra thời kỳ phát triển đột phá của Quảng Ninh suốt hơn một thập kỷ qua.

Đặc biệt, tỉnh đã thuê các tư vấn hàng đầu thế giới lập đồng thời 7 quy hoạch chiến lược, có tầm nhìn dài hạn với định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều – hai mũi đột phá”; xây dựng chiến lược cụ thể cho tăng trưởng xanh đó là các định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực. Chiến lược khi đó chỉ rõ, mục tiêu là nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia; phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời, thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh, bền vững, có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả kinh tế - sinh thái, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại…

Một góc của thành phố Hạ Long.

Với tinh thần của tỉnh Quảng Ninh, ngành Than chủ động triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm xanh hóa môi trường sản xuất, tích cực đổi mới công nghệ khai thác, ứng dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn; ngành công nghiệp – xây dựng cũng triển khai hàng loạt giải pháp để cơ cấu lại, thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Các KCN chuyển đổi tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa, bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân. Đến nay, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; các KCN phát triển theo đúng quy hoạch, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng… 

Một trong những mục tiêu mà tỉnh đặt ra khi thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” là giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sáng tạo, Quảng Ninh đã phát triển thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp của cả nước và quốc tế. Để du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, tỉnh đã đầu tư, kêu gọi đầu tư hàng loạt những công trình, dự án trọng điểm, hiện đại tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đang được đầu tư, phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa, bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn.

Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn đặt vấn đề môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là yêu cầu sống còn, điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Với những định hướng đó, tỉnh có nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hoàn thành, nhiều chỉ tiêu về môi trường đã đạt hoặc vượt kế hoạch, điển hình là 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đạt 98%... Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đã ban hành và tổ chức triển khai Bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản... Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường định kỳ, chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước biển ven bờ, môi trường đất và trầm tích của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; ô nhiễm môi trường đã cơ bản được kiểm soát. 

Trên cơ sở kiên trì thực hiện những định hướng đã xác định, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giữ vững sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội với đà tăng trưởng GRDP cao, ổn định trên hai con số trong 9 năm liên tiếp; tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân khoảng 10%/năm, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD/người/năm. Tỉnh Quảng Ninh vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo Vùng, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.

Đỗ Phương (Báo Quảng Ninh)