Tin tức đầu tư


Tăng vốn, tăng chất các dự án FDI thế hệ mới

10/08/2023

Thực hiện chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân", 6 tháng đầu năm, tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Quảng Ninh ước đạt 832,1 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy, bằng 69,3% kế hoạch của UBND tỉnh. Đáng chú ý, phần nhiều dự án FDI đầu tư ở Quảng Ninh là các "dự án thế hệ mới" - công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng tiên tiến, hiện đại, phát triển xanh, sử dụng ít tài nguyên theo đúng mục tiêu mà tỉnh đề ra…

Nhân viên marketing KCN Bắc Tiền Phong giới thiệu với nhà đầu tư về chiến lược thu hút đầu tư vào KCN. Ảnh: Mạnh Trường

Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Quảng Ninh những tháng đầu năm nay là kết quả thu hút vốn đầu tư. Trong đó, tỉnh đã thực hiện cấp mới giấy đăng ký đầu tư cho 17 dự án FDI, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, bên cạnh việc tiếp tục thu hút vốn FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển là dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên). Dự án có tổng mức đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu, công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm, qua đó góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Foxconn xây dựng 2 nhà máy trị giá gần 250 triệu USD tại KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Hai dự án này dự kiến giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương, đồng thời nâng số dự án của Tập đoàn tại Quảng Ninh lên 3 dự án với tổng số vốn trên 300 triệu USD (chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam). Điều đáng nói hai dự án trên được tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ là 14 ngày làm việc so với quy định.

Cũng tại KCN Sông Khoai, cuối tháng 6 vừa qua, Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long và Công ty TNHH Castem Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất (45 năm) để triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất và kinh doanh các chi tiết cơ khí chính xác, với trị giá gần 19 triệu USD. Đây là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào KCN Sông Khoai…

KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) được đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đón nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Ảnh: Đỗ Phương

Để có được kết quả đó, trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Quảng Ninh không chạy theo số lượng, mà chọn chất lượng. Quan điểm của tỉnh là tiếp tục thực hiện các phương thức xúc tiến đầu tư truyền thống, nhưng để tăng hiệu quả thì phải nâng tầm quy mô các sự kiện và thể hiện được sự trọng thị của tỉnh. Bởi vậy, thay vì chờ nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh luôn chủ động, tích cực, tập trung tiếp cận tổ chức, cá nhân có sức ảnh hưởng và có vai trò quyết định.

Cùng với đó, công tác hỗ trợ thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc được giải quyết nhanh chóng thông qua Tổ Investor Care - hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và các tổ công tác hỗ trợ triển khai dự án... Tỉnh cũng đã sớm ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 và triển khai xây dựng Đề án Thu hút nhà đầu tư FDI lớn, có thương hiệu vào tỉnh. Cụ thể, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, trọng điểm là Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Đồng thời xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn, có thương hiệu và uy tín như Tập đoàn Lite-On Technology tới từ Đài Loan (Trung Quốc), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Đoàn Doanh nghiệp Điện tử Đài Loan (Trung Quốc), Tập đoàn Adani và Công ty TNHH Mitsubishi Corporation Việt Nam.

Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất đai; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về GPMB, đất đai, đầu tư, xây dựng. Hơn nữa, quỹ đất công nghiệp của Quảng Ninh còn nhiều, đáp ứng được nhu cầu xây dựng các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, giá thuê cũng cạnh tranh so với một số địa phương lân cận như Hải Dương, Hải Phòng. Hiện tại, Quảng Ninh có khoảng 548,61ha đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng sẵn sàng cho thuê; đến năm 2025, dự kiến có 3.658ha và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.904ha.

Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 1,2 tỷ vốn FDI. Với những gì đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm cũng như những tiềm năng, lợi thế mà tỉnh đang có, chắc chắn mục tiêu cả năm là hoàn toàn có thể đạt được. Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, Quảng Ninh là vùng đất hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp cả ở trong và ngoài nước, nhất là khi hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh như cao tốc, sân bay, bến cảng… liên tục được đầu tư, hoàn thiện. Bên cạnh đó, những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng của tỉnh, nhất là cải cách thủ tục hành chính đã tạo được sự yên tâm, thu hút các nhà đầu tư. Chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư ở các quốc gia phát triển đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh.

Hoài Anh BQN