Tạo đột phá trong cải cách hành chính
Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ then chốt trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy KT-XH địa phương, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo ra sự đột phá trong cải cách hành chính.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Thời gian qua, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tích cực phối hợp, giám sát, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời việc niêm yết công khai các TTHC theo quy định; phối hợp tốt với các sở, ngành triển khai giải quyết hồ sơ theo nguyên tắc 5 tại chỗ, sử dụng con dấu thứ 2, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ. Trung tâm và các sở, ngành đã ký cam kết về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở làm tại Trung tâm, thường xuyên kiểm tra, giám sát đột xuất trong việc thực hiện quy định, quy trình trong giải quyết hồ sơ. Đến nay, 1.280 TTHC giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong đó 1.227 TTHC của các sở, ngành thuộc tỉnh, 35 TTHC của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, 18 TTHC của Công ty Điện lực Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, 100% TTHC cấp huyện, xã đưa vào giải quyết tại Trung tâm hành chính công cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 92%, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia mức độ 4 đạt 75%, giảm thời gian giải quyết TTHC từ 40-50% so với quy định. Năm 2021, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,7%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đã giải quyết đạt 53,5%, 100% phiếu của tổ chức, cá nhân đánh giá rất hài lòng và hài lòng trong hoạt động giải quyết TTHC tại Trung tâm.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả rà soát hồ sơ của doanh nghiệp.
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thời gian qua, Hải quan Quảng Ninh đã triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia với 226 thủ tục của 13 bộ, ngành và một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan, giúp giảm thời gian, chi phí trong việc nộp/xuất trình hồ sơ với cơ quan hải quan và đơn vị liên quan. Đồng thời, duy trì hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử, triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin tại 2 cảng biển, 23 kho ngoại quan và 1 điểm kiểm tra hàng xuất khẩu. Đồng thời, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 22 TTHC, kiến nghị bãi bỏ 3 TTHC, thay đổi phương thức kiểm tra 3 nhóm mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện TTHC, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Nhờ đó, năm 2021, Hải quan tỉnh đã thu hút 1.322 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn, tăng 6,9%; tổng kim ngạch các loại hình là 12,28 tỷ USD, tăng 34% về tờ khai và tăng 36% về kim ngạch; giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho 114.632 lượt phương tiện, tăng 53%.
Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính, tỉnh đã ban hành đề cương đề án Chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh đang thí điểm được mô hình huyện chuyển đổi số tại Cô Tô, đây là mô hình thí điểm được triển khai song song với quá trình xây dựng đề án.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác triển khai chuyển đổi số giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030 với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Theo đó, các bên sẽ hợp tác xây dựng, phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ, hiện đại; hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành dùng chung của tỉnh theo dạng dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp có tích hợp hệ thống báo cáo thống kê, phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; hợp tác tư vấn, triển khai phát triển kinh tế số, doanh nghiệp chuyển đổi số. Đồng thời, tham gia xây dựng, thẩm định, phản biện các dự án, đề án, chương trình liên quan đến CNTT và thành phố thông minh; hợp tác phát triển nguồn nhân lực; tư vấn xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu (IDC); triển khai thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho một đơn vị cấp huyện của tỉnh, hoàn thành xây dựng nền tảng, ứng dụng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số sau 12 tháng triển khai; tham gia, hợp tác đầu tư công nghiệp CNTT - truyền thông trên địa bàn tỉnh.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024