TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP, NHÀ ĐẦU TƯ
Không để gián đoạn cải cách Mỗi ngày chậm trễ là mỗi ngày các doanh nghiệp chờ đợi, cơ hội phục hồi kinh tế sẽ giảm đi. Khi các nguồn lực để phục hồi kinh tế có hạn, một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, ít rào cản hơn chính là nguồn lực quan trọng cho phát triển. Cải cách cũng không thể gián đoạn hay thụt lùi mà phải luôn hướng đến một môi trường kinh doanh ít rào cản hơn, mang tính thị trường nhiều hơn. Gia tăng cả giá trị và sản lượng, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong nhiều năm qua. Có được thành quả đó là do Nghị định 107 đã tháo gỡ hàng loạt các rào cản trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi nghị định này đang gây hoang mang cho doanh nghiệp khi nêu ra điều kiện diện tích của kho chứa thóc, công suất của cơ sở xay, xát, chế biến thóc gạo tối thiểu là là 5.000 tấn thóc, công suất tối thiểu là 10 tấn thóc/giờ - vốn là những điều kiện mà Nghị định 107 đã từng bãi bỏ. "Có nhiều nghị định đã được chứng minh rất thành công, được doanh nghiệp đón nhận và tạo lực đẩy quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, hoạt động kinh doanh, nhưng hiện nay lại đang được đề xuất theo hướng chặt chẽ, khó khăn hơn cho doanh nghiệp nên chúng tôi rất lo ngại và hy vọng đây chỉ là thiểu số", ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nói. Gỡ bỏ rào cản kinh doanh không dễ dàng nếu chỉ nhìn nhận các điều kiện kinh doanh là công cụ để quản lý, mà không nhìn thấy đó chính là cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đã bị bào mòn sức lực do đại dịch thời gian qua. "Xin cho xảy ra ở những rào cản, anh dựng ra một rào cản để anh muốn bước qua thì phải có giấy chứng nhận, giấy tờ từ cơ quan ban hành thì ta phải bỏ rào cản, hạ thấp rào cản. Chất lượng thể chế là động lực để thúc đẩy việc huy động tất cả các nguồn lực. Nguồn lực ở đây không chỉ là tiền bạc, mà là sức lực, sáng kiến, khoa học công nghệ thúc đẩy cho sự phát triển", ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh. Để cải cách mạnh mẽ và bền vững hơn, cần có sự giám sát và đồng hành của cả xã hội. Muốn vậy, phải phát huy cơ chế hợp tác giữa các bên để hạn chế sự ngắt quãng trong cải cách. "Bây giờ các nhà quản lý phải biết doanh nghiệp đang cần gì, đang thiếu gì. Đối với một số bộ ngành, chúng tôi có đưa ra đề nghị nhưng nhận được sự trả lời là rất ít", Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết. Thành quả nỗ lực cải cách thời gian qua rất đáng ghi nhận, tinh thần cải cách cũng đã được Chính phủ khẳng định mạnh mẽ. Việc lan tỏa tinh thần này tới tất cả các cấp ngành, địa phương là cần thiết để không có và không thể có những sự ngắt quãng trong cải cách. Cải cách chưa bao giờ là dễ dàng, không chỉ hướng tới việc cải thiện mỗi ngày so với chính mình mà còn phải nắm bắt được những xu hướng phát triển mới, theo kịp và hướng tới dẫn đầu những xu hướng nếu không muốn bị tụt lại. Việt Nam có những thế mạnh nhất định về phát triển đổi mới sáng tạo, nhưng từ tiềm năng tới thực tế cần phải có thể chế đi trước, dự đoán được xu hướng và nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống pháp lý. Cải cách theo kịp xu hướng phát triển Là một trong số ít những startup được định giá tỷ đô, Sky Mavis - kỳ lân công nghệ mới nhất của Việt Nam, nhưng thực chất đây là doanh nghiệp được đăng ký và có trụ sở tại Singapore. Những trường hợp như vậy là không ít. "Thể chế đổi mới sáng tạo, để thu hút ý tưởng sáng tạo của Việt Nam không đủ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, vì bối cảnh như vậy khi doanh nghiệp thực hiện ý tưởng kinh doanh mới, ngành nghề mới họ gặp nhiều rào cản", TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM, nhận định. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia luôn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đẩy mạnh không ngừng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN) Mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm hàng đầu ở khu vực đã được đặt ra. Tuy nhiên, khi chúng ta cải cách, các quốc gia khác cũng liên tục cải cách, vì vậy không chỉ phải tốt hơn với chính mình, cần có những cải cách theo kịp sự phát triển, nhất là những xu hướng phát triển mới. "Cơ hội của Việt Nam nằm ở việc thúc đẩy và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, muốn vậy cải cách thể chế và tạo điều kiện cho những ngành nghề, mô hình kinh doanh mới là việc cần thiết để Việt Nam nắm bắt được những cơ hội này", bà Virnia Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, đánh giá. Năm vừa qua, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng kỷ lục đạt hơn 1,3 tỷ USD. Điều này cho thấy chúng ta có năng lực và cơ hội phát triển đổi mới sáng tạo, tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội đó, phải xây dựng thể chế khuyến khích đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia luôn được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đẩy mạnh không ngừng. Quyết tâm này cần được lan tỏa nhanh chóng đến mọi cấp, ngành nhất là trong bối cảnh phục hồi, phát triển kinh tế hiện nay. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục được thực hiện hiệu quả, tạo nền tảng cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, sử dụng các nguồn lực của đất nước hiệu quả hơn. Quá trình cải cách vì thế phải là một quá trình không ngừng, không gián đoạn và cập nhật xu thế. |
Bài viết cùng chuyên mục
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hồng Kông vào tỉnh Quảng Ninh
- Phát huy hiệu quả nguồn vốn FDI
- Hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài
- Gỡ các điểm nghẽn, thu hút FDI vào ngành dược
- Tạo hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài
- Hoa Kỳ đang là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam
- Làm cách nào Việt Nam có thêm 40 tỉ USD năm tới?
- Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Hải Hà
- Từ ngày 1/11/2024, Quảng Ninh chính thức có 5 thành phố