Tạo nền tảng cho nông nghiệp hàng hóa
Trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch nhà vườn của ông Nguyễn Chí Nhân, xã Hải Xuân, TP Móng Cái với doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nguyên Ngọc
Những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp người nông dân sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn cũng như đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 500 trang trại đang hoạt động ở các lĩnh vực dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ tổng hợp. Phần lớn các trang trại đều tận dụng, khai thác hiệu quả phần đất nông, lâm nghiệp và thủy sản được chính quyền giao, cấp hằng năm, tạo ra nhiều giá trị sản phẩm hàng hóa và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là lao động thời vụ. Đặc biệt từ các trang trại này cũng xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Điển hình, như mô hình trang trại của gia đình ông Nguyễn Chí Nhân, thôn 1, xã Hải Xuân, TP Móng Cái. Từ năm 2015, gia đình ông bắt đầu thực hiện mô hình trang trại trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch nhà vườn với gần 5.000 loại cây như: Mít, táo, na, quýt đường, đu đủ, chuối... Đến nay, trang trại rộng 5ha của gia đình ông không chỉ mang lại thu nhập, mà còn là điểm đến trải nghiệm thú vị của du khách bốn phương. Mỗi năm, từ mô hình này đã mang lại cho gia đình ông doanh thu khoảng 2 tỷ đồng.
Là một trong những địa phương có nhiều mô hình trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, theo lãnh đạo TX Quảng Yên, để thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển, TX Quảng Yên đã có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá. Đặc biệt, thị xã rất chú trọng đến việc tạo điều kiện về mặt bằng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng... cho các trang trại, do vậy các trang trại vừa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất vừa tranh thủ đưa vào sản xuất có hiệu quả ngay. Đến nay, nhiều mô hình kinh tế trang trại tại địa phương đã phát huy hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như một số trang trại đầu tư sản xuất quy mô công nghiệp, tạo ra chất lượng sản phẩm sạch, có sản lượng hàng hoá lớn như trang trại sản xuất giống rau hoa công nghệ cao ở phường Đông Mai hàng năm đã sản xuất ra khối lượng lớn hoa cao cấp với công nghệ cao, khép kín cung cấp trên thị trường của thị xã và của tỉnh đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm; trang trại chăn nuôi, sản xuất trứng gà Tân An (phường Tân An) mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 10 triệu quả trứng, doanh thu khoảng 45 tỷ đồng; trang trại nuôi tôm và cá trắm đen của ông Đặng Văn Cừ, phường Yên Hải quy mô gần 10ha, cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm...
Trang trại chăn nuôi, sản xuất trứng gà Tân An (phường Tân An, TX Quảng Yên).
Một trong những hình thức phát triển kinh tế nông nghiệp được các địa phương lựa chọn, đó là khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng, hình thành nên những trang trại chăn nuôi, trồng trọt tập trung, quy mô lớn và có áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, như: Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; vay vốn tín dụng; hỗ trợ mua con giống, cây giống; ứng dụng KHCN…, các địa phương tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đều có chính sách khuyến khích riêng, tạo thuận lợi và thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển kinh tế trang trại trong nhân dân. Điều này, đã giúp các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quản lý chất lượng nông sản... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số khó khăn. Đơn cử, tại nhiều địa phương, các trang trại hoạt động theo hướng tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm có nơi chưa bảo đảm nên sức cạnh tranh yếu. Nhiều trang trại thiếu vốn đầu tư, chưa đưa được công nghệ mới vào sản xuất... dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, bán ra thị trường chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, hiệu quả thấp.
Để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm... gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và tạo ra các sản phẩm an toàn. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trang trại cũng như các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh tế trang trại theo hướng phát triển quy mô lớn, qua đó, khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đoàn đại biểu tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc thăm và làm việc tại Quảng Ninh
- Đoàn công tác tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) khảo sát Vịnh Hạ Long
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xã giao Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ
- Móng Cái: Nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại
- Thủ tướng là Trưởng BCĐ xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế
- Thủ tướng tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto
- Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia phát triển tích cực
- Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: Dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt-Lào
- Tập trung hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất
- Lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chúc mừng Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 79 năm quốc khánh Indonesia