Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh chú trọng thu hút đầu tư vào khu vực này.
Theo đó, tỉnh đã quy hoạch, triển khai các đề án, dự án thu hút đầu tư, như: Phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030; triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tỉnh Quảng Ninh theo Luật Lâm nghiệp; phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030...
Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tham mưu triển khai quy hoạch phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030.
Mô hình trồng ớt sừng xanh Hàn Quốc của người dân xã Bình Khê (TX Đông Triều) cung cấp nguyên liệu chế biến cho Công ty TNHH MTV F-ONE GLOBAL FOODS (phường Đức Chính, TX Đông Triều). Ảnh: Nguyễn Hoa
Hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được tỉnh ban hành đồng bộ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng thời, tỉnh quan tâm, dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho HTX, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng…
Qua đó đã khuyến khích doanh nghiệp, HTX, nông dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống. Tính đến 15/10/2023, toàn tỉnh có 469 HTX nông nghiệp, tổng hợp (9 tháng năm 2023 có 36 HTX thành lập mới). Nhờ đó, tỉnh cũng dần hình thành, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thương hiệu và chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP”.
Các ngành liên quan, các địa phương còn triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Hằng năm, tỉnh đều dành nguồn lực để chi cho hoạt động KHCN.
Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX Đông Triều sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa để triển khai dịch vụ bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Ảnh: Thanh Tùng
Hiện toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao; 219 chủ thể sản xuất tham gia, gồm 54 doanh nghiệp, 87 HTX, 78 hộ sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có 7 sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia hạng 5 sao, hiện Hội đồng thẩm định Trung ương đang tổ chức đánh giá, phân hạng. Đến nay, tỉnh đã có thêm 1 sản phẩm đã được công nhận 5 sao quốc gia (Trà hoa vàng Quy Hoa - Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ XNK Quy Hoa).
Để đẩy mạnh lưu thông sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp, trong 10 tháng năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức 5 hội chợ OCOP cấp tỉnh; các địa phương tổ chức 7 hội chợ OCOP kết hợp thương mại, Hội chợ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tỉnh cũng tổ chức 2 hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Cần Thơ… Qua đó đã mang lại kết quả tích cực và triển vọng phát triển bền vững cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Quảng Ninh đã có 76% sản phẩm OCOP đạt 3-5 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.
Hiện trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả các dự án, mô hình, như: Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp tại TX Quảng Yên; xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt VietGAP, liên kết HTX với chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm OCOP tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả); chăn nuôi bò lai BBB sinh sản tuần hoàn tại TX Đông Triều; chăn nuôi ngan (ngan sao) thương phẩm an toàn sinh học và xây dựng mô hình trồng hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu tại Bình Liêu; nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại TX Quảng Yên…
Nông dân trồng hoa tại thôn Quảng Mản, xã Bình Khê (TX Đông Triều) sử dụng hệ thống bơm tưới văng tự động. Ảnh: Thanh Tùng
Quảng Ninh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp an toàn, tập trung và duy trì 1.070ha vùng trồng trọt được chứng nhận VietGAP; 45ha đất trồng trọt hữu cơ được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ; 94ha lúa chất lượng cao Japonica và ST25; 420 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; 46 vùng trồng dược liệu cấp mã số; 6 cơ sở đóng gói quả tươi.
Ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển. Tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại 9 tháng năm 2023 của tỉnh đạt 101.500 tấn, tăng 5,04% so với cùng kỳ 2022. Trên địa bàn tỉnh hiện còn có 16 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản hoạt động; qua đó 9 tháng năm 2023 đã sản xuất đạt hơn 2.500 triệu con giống.
Việc quan tâm thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm, ngư nghiệp. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn 9 tháng năm 2023 tăng 4,19%. Đời sống của người dân vùng nông thôn ngày càng ổn định và phát triển.
Cầm Khuê
Bài viết cùng chuyên mục
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
- Sớm triển khai cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330