Tin tức đầu tư


Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Hết thời 'lót ổ' bằng ưu đãi

30/01/2023

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian tới đặt mục tiêu tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ hiện đại. Theo các chuyên gia, với mục tiêu này, những gì Việt Nam đang chuẩn bị để đón “đại bàng” là chưa đủ. FDI vào Việt Nam còn thiếu những “đại bàng” từ Mỹ, châu Âu.

Hơn 2 năm từ khi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) có hiệu lực, trái với những kỳ vọng đặt ra, bức tranh thu hút FDI từ châu Âu không có nhiều thay đổi. Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) và Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu chỉ chiếm 2-5% tổng vốn FDI mà EU phân bổ trên toàn thế giới.

https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202302/medium/2052542_c159ce4785835aa467369b6cc81c8945.jpg

Thu hút FDI thời gian tới đặt mục tiêu tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh minh họa: Như Ý

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, số lượng các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ các nước châu Âu, Mỹ... rất thấp (chỉ đạt khoảng 5%). Dự án FDI vào Việt Nam hiện chủ yếu là công nghệ trung bình, trong đó tỷ lệ lớn xuất xứ từ Trung Quốc; công nghệ lạc hậu chiếm tới 15%. “Dự án quy mô lớn còn ít, đến nay mới có khoảng 26 dự án FDI tỷ USD. Số này chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư, còn lại là các dự án nhỏ, siêu nhỏ”, ông Thắng nói.

 

Theo ông Thắng, thu hút FDI đang đứng trước bài toán rất khó, làm sao để mang về nhiều vốn, nhưng đảm bảo mục tiêu có dự án lớn, công nghệ cao, tạo sức lan tỏa, chưa kể phải đáp ứng cả tiêu chí có thể chuyển giao công nghệ. Vừa qua, KH&ĐT đã đề xuất bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài gồm 36 chỉ tiêu; trong đó có 25 chỉ tiêu về kinh tế, 7 chỉ tiêu về xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường.

Ông Thắng cho rằng, việc có bộ tiêu chí này là cần thiết, tạo màng lọc loại bỏ những nhà đầu tư mang rủi ro lớn về an ninh quốc phòng, xã hội. Dù có bộ tiêu chí rõ ràng về thu hút FDI nhưng sự chuẩn bị của Việt Nam vẫn chưa đủ để đón “đại bàng”.

“Chúng ta muốn hướng FDI vào khu vực công nghệ cao, nhưng lại không chuẩn bị “món ăn” cho họ. Như với công nghiệp điện tử, nhà đầu tư cần địa điểm thuận lợi, đi kèm hệ thống logistics, trung chuyển, lao động chất lượng cao. Chúng ta còn khá lúng túng khi phần lớn dự án quy mô lớn thời gian qua đều tự tìm đến Việt Nam. Phần lớn dự án quy mô lớn không nằm trong danh mục quốc gia các dự án kêu gọi FDI”, ông Thắng phân tích và cho rằng, khâu chuẩn bị thực hiện cần được quan tâm, làm hiệu quả hơn. “Nếu doanh nghiệp đầu tư dự án, các địa phương có ưu đãi gì, hạ tầng, chính sách ra sao cần chuẩn bị sẵn, để 3 tháng là có thể cấp phép. Hiện nay, dự án lớn mất 6-7 năm để cấp phép. Thời gian quá dài”, ông Thắng nêu thực trạng.

Ưu đãi không còn sức nặng

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thời gian tới, trong thu hút FDI, chính sách ưu tiên, đãi ngộ sẽ không còn là thế mạnh. FDI thế hệ mới vào Việt Nam cần môi trường thể chế minh bạch, hạ tầng phát triển, lao động chất lượng cao. Theo ông Doanh, việc cải thiện môi trường đầu tư không thể dựa vào nỗ lực của địa phương như cách cạnh tranh thời gian vừa qua, tung ưu đãi về thuế, đất. Muốn cải thiện, cần sự hợp tác giữa các bộ, ban ngành.

Với việc đã có Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng, ông Doanh nhận định, khâu giám sát thực hiện cần được đẩy mạnh. “Tại chương trình hành động, ai làm gì, ai chịu trách nhiệm, nhà đầu tư, người dân cần được giám sát, bằng cách công khai thông tin trực tuyến, ứng dụng số hóa. Như cách làm trong đầu tư công, có thể tăng trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Doanh nhấn mạnh.

Cùng với đó, bài toán làm sao để doanh nghiệp Việt tận dụng được lợi thế, tham gia vào chuỗi cung ứng thông qua FDI cũng là điều mà chuyên gia, doanh nghiệp băn khoăn. Ông Ngô Hữu Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Giza Việt Nam bày tỏ mong muốn, Chính phủ, bộ ngành lắng nghe, dành sự quan tâm về chính sách, tổ chức hoạt động xúc tiến, hợp tác giữa khu vực FDI và trong nước. “Có nhiều diễn đàn xúc tiến đầu tư được tổ chức nhưng nhiều cuộc chưa thực chất. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ trợ không đủ điều kiện tham gia các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Để phát triển công nghiệp phụ trợ, cơ quan quản lý cần hoạch định các nhà sản xuất có năng lực, tạo sự liên kết”, ông Hoàng thông tin.

Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 do Bộ KH&ĐT xây dựng đặt mục tiêu cụ thể là nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của một số quốc gia trong tổng số vốn FDI cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 75% trong giai đoạn 2026 - 2030, bao gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines; Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh; Hoa Kỳ.