Tin tức đầu tư


Thủ tướng: Việt Nam mong muốn cùng Romania làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác

25/01/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời phỏng vấn báo chí Romania về nhiều vấn đề, trong đó có triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước thềm chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời phỏng vấn báo chí Romania về những kinh nghiệm đưa Việt Nam phát triển vượt bậc như ngày này, về những quyết sách quan trọng nhất được Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra và triển vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước.

TTXVN trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:

- Xin Thủ tướng cho biết nguyên nhân nào, bài học kinh nghiệm gì đã đưa Việt Nam phát triển vượt bậc, thậm chí là phi thường như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực, nhất là làm thế nào để Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trong một thời gian ngắn đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nhìn lại chặng đường gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Có thể khẳng định, chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Quy mô nền kinh tế tăng hơn 53 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 28 lần. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ mức 60% vào đầu những năm 1990 xuống còn 2,93% năm 2023, Việt Nam đã hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm cao nhất trong số các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển.

Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực và là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với mạng lưới 16 Thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán.

Những năm vừa qua, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia thấp hơn giới hạn quy định; cán cân thương mại thặng dư; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi, phát triển tốt.