Thúc đẩy kinh tế số
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm 30%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó ứng dụng các tiện ích số thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Thanh toán điện tử đang phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hàng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính, phí tham quan Vịnh Hạ Long cũng thực hiện trực tuyến không dùng tiền mặt. Theo thống kê, trong tháng 5/2024, đã có hơn 65 tỷ đồng phí tham quan Vịnh Hạ Long và hơn 10 tỷ đồng phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính được thu trực tuyến...
Cùng với việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu trung tâm dịch vụ thương mại, khu hành chính, 13/13 địa phương của tỉnh đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 đối với các chợ trung tâm và chợ hạng I truyền thống trên địa bàn. Trong đó, có một số chợ trên địa bàn TX Đông Triều đã sử dụng vé điện tử tại các nhà xe và hàng hóa ra vào cổng của các hộ kinh doanh vào người dân đến chợ.
100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu. Anh Nguyễn Trường Giang, Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu số 1 (TP Hạ Long) cho biết: Từ tháng 7/2023, đơn vị đã trang bị máy POS để phục vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Đến nay, 33% tổng doanh thu của cửa hàng đã thanh toán bằng nhiều hình thức không dùng tiền mặt. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp đơn vị nâng cao hiệu quả quản trị, dòng tiền lưu thông tốt hơn, đảm bảo tính minh bạch, mang lại sự tiện lợi cho khách hàng.
Trong thời gian qua, cơ quan thuế cũng đẩy mạnh triển khai giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền. Tính đến nay đã có 1.760/1.781 người nộp thuế (gồm doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh) đã sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền cho hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng đạt 98,82%.
Để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí người nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã thích ứng nhanh, tự tạo kênh bán hàng riêng của mình, tự đăng các sản phẩm rao bán, livestream bán hàng trực tuyến.
Anh Bùi Văn Trà (TP Uông Bí) tham gia livestream giới thiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam.
Cuối tháng 5/2024, người nông dân tại TP Uông Bí cũng tập cho mình thói quen livestream để có thể quảng bá, bán vải chín sớm - một sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương. Nông dân Bùi Văn Trà (TP Uông Bí) đã tự thiết kế một góc nhỏ với máy điện thoại, chân máy để livestream về vải chín sớm Phương Nam. Theo anh Trà, mặc dù có chút tâm lý khi có sự theo dõi của hàng trăm khán giả trực tuyến nhưng dần dần cũng quen, đây sẽ là một phương thức bán hàng mới và rất cần thiết cho người nông dân để có thể giới thiệu và bán được nhiều vải chín sớm Phương Nam.
Đến nay, tỉnh cũng đã có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada…; hơn 160 sản phẩm OCOP lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn. Tại Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất, trang trí, lưu niệm và dịch vụ...
Trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kinh tế số cũng được tỉnh xác định là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn đang gặp phải cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của tỉnh; tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP…
Việt Hưng (Báo Quảng Ninh)
Bài viết cùng chuyên mục
- Hạ Long tập trung hiện thực hóa các quy hoạch
- Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài
- Triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược
- Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024
- Phấn đấu thu xuất nhập khẩu đạt kỷ lục
- Tập trung xây dựng và phát triển thành phố Đông Triều
- Kết nối, đồng hành cùng các nhà đầu tư nghiên cứu dự án công nghiệp, cảng biển, logistics gắn với tăng trưởng xanh
- AMATA City Hạ Long tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc
- Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng hút vốn FDI
- Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là điểm sáng hút vốn FDI