Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
Trong suốt hành trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định gắn phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững. Thời gian qua, tỉnh cùng với các nhà đầu tư hạ tầng KCN, nhà đầu tư thứ cấp đã có rất nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số xanh PCI.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch phát triển 23 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 19.114,26ha. Trong các KCN, KKT của tỉnh hiện có tổng 337 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực, trong đó có 132 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD và 205 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt trên 129.000 tỷ đồng.
Trong quá trình quy hoạch, xây dựng và phát triển, tỉnh luôn chú trọng khuyến khích triển khai các giải pháp phát triển các KCN, KKT theo hướng xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, môi trường sản xuất, kinh doanh xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Với định hướng phát triển công nghiệp xanh - hiện đại - bền vững, cùng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư của tỉnh, trong thời gian qua, các KCN của tỉnh đều chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định; chú trọng tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Trạm xử lý nước thải đồng bộ, hiện đại kết hợp công nghệ hóa học, vật lý và vi sinh tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) đảm bảo các quy chuẩn xử lý nước thải KCN theo quy định. Ảnh: Minh Hà
Đến nay, 100% KCN được thành lập có hệ thống xử lý nước thải tập trung phù hợp quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; tỷ lệ cây xanh theo quy hoạch của các dự án hạ tầng KCN và các dự án thứ cấp trong KCN, KKT đảm bảo chiếm trên 10%. Để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, một số KCN đã mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất triển khai các dự án xanh như: Sử dụng bùn thải không nguy hại từ hệ thống xử lý nước thải tập trung làm nhiên liệu đốt cho quá trình sản xuất hơi nước nóng tại KCN Texhong Hải Hà; đề xuất phát triển điện mặt trời áp mái tại KCN Texhong Hải Hà, KCN Sông Khoai; tuần hoàn, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý trong hoạt động sản xuất…
Khu công nghiệp DEEP C trên địa bàn TX Quảng Yên được thực hiện theo hướng khu công nghiệp sinh thái.
Tại KCN Deep C trên địa bàn TX Quảng Yên, nhà đầu tư phát triển hạ tầng Deep C đã thực hiện theo hướng KCN sinh thái. Các mục tiêu xây dựng đều hướng đến việc phát triển xanh, bền vững ngay từ khi triển khai các hạng mục đầu tiên. Khác với nhiều KCN, tại KCN Deep C, các “dải phân cách xanh” không trồng cỏ mà được trồng các loại cây đa tầng tán tạo ra độ che phủ lớn cho KCN giúp giảm nhiệt độ bề mặt đường tại KCN. Hệ thống xử lý nước thải tại phía Bắc của KCN được xây dựng theo mô hình Hybrid kết hợp công nghệ hóa lý và công nghệ sinh học giúp giảm khối lượng hóa chất phải sử dụng trong quá trình xử lý nước thải. Còn tại khu vực phía Nam của KCN Deep C sẽ xây dựng mô hình xử lý nước thải mà không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng vi sinh và vi khuẩn để xử lý môi trường.
Bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững, Tổ hợp KCN Deep C, cho biết: Khi thu hút bất kỳ nhà đầu tư thứ cấp nào vào KCN Bắc Tiền Phong chúng tôi cùng đều báo cáo, giới thiệu với tỉnh và đã nhận được định hướng, hướng dẫn rõ ràng ngay từ ban đầu về việc cần xem xét xem nhà đầu tư có phù hợp với chiến lược phát triển của tỉnh không thì mới xúc tiến các bước tiếp theo. Nên nếu nhà đầu tư thứ cấp có vốn đầu tư lớn nhưng không sử dụng công nghệ hiện đại, hoặc sử dụng trang thiết bị máy móc cũ đã qua sử dụng không đáp ứng được các tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát triển xanh thì chúng tôi sẽ dừng xúc tiến thu hút đầu tư đối với nhà đầu tư đó ngay. Đối với chúng tôi, những định hướng của tỉnh Quảng Ninh về phát triển xanh, phát triển bền vững cũng là mục tiêu, thương hiệu của Deep C trong phát triển các KCN.
Việc chọn lựa, thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường tại các KCN, KKT được tỉnh Quảng Ninh nhất quán chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để “chạy theo” tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thu hút đầu tư, hợp tác đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các lĩnh vực: Các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị kinh tế cao (Cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, đóng tàu…); công nghiệp điện, điện tử, vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn…; kiên quyết ngăn chặn các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng.
Với những giải pháp bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững đang được tỉnh và các KCN triển khai nghiêm túc, kết quả quan trắc môi trường định kỳ của các dự án hạ tầng KCN cho thấy chất lượng môi trường không khí, đất, nước tại các khu vực thực hiện dự án đều nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN và tiêu chuẩn địa phương tương ứng.
Bài viết cùng chuyên mục
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra
- Sớm triển khai cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 330
- TX Quảng Yên: Mở rộng cửa thu hút đầu tư
- Khai thác hiệu quả trục cao tốc dọc tỉnh
- Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2025