Tin tức đầu tư


Thúc đẩy phát triển kinh tế số

17/09/2022

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Doanh nghiệp quét mã QR để thanh toán vé tham quan Vịnh Hạ Long.

Trong thời gian qua, việc triển khai phát triển kinh tế số đã được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tập trung mở rộng thị trường thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP, hiện số lượng sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đã đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn là 177/267 sản phẩm. Một số sản phẩm chưa đưa lên sàn do có thời gian sử dụng ngắn ngày hoặc số lượng ít nên không có nhu cầu bán trên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị cũng đang nỗ lực triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Đến thời điểm này, đã có 9.327 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 100% các đơn vị đủ điều kiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Quảng Ninh là một trong 6 tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn 1. Qua đó, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thanh toán.

Theo ông Vũ Đức Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng dẫn và điều hành du lịch Vịnh Hạ Long (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long): Việc triển khai hoạt động kinh tế số, cụ thể là số hóa vé tham quan Vịnh Hạ Long, thanh toán vé tham quan bằng hình thức quét mã QR là một quá trình phát triển tất yếu, cũng là một phần trong các nhiệm vụ chuyển đổi số mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang chỉ đạo triển khai. Trong thời gian tới, để bắt nhịp chuyển đổi số, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long sẽ thực hiện số hóa hệ thống thông tin, triển khai hệ thống bán kiểm soát vé tự động, trợ lý ảo du lịch bằng trí thông minh nhân tạo AI... để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và du khách, xây dựng môi trường kinh doanh du lịch tại Vịnh Hạ Long ngày một hiện đại, văn minh.

Bên cạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, tỉnh cũng đã đầu tư, triển khai nền tảng cửa khẩu số. Hiện Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai thử nghiệm mô hình Cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Khu vực cầu Bắc Luân II, TP Móng Cái) trước khi nhân rộng ra các cửa khẩu khác trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cơ bản Quảng Ninh đặt ra là đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số. Tỉnh cũng xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung “Ha Long ICT Park” tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long) trở thành “Cảng dữ liệu” và Trung tâm đổi mới sáng tạo tại khu vực phía Bắc.

Riêng trong năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 8% trong GRDP. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 40%; khai khoáng chiếm 30%; kinh tế số ngành thương mại chiếm 10%; năng lượng 10%; nông nghiệp 5%; cảng biển - logistics 5%; 40% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; 100% các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh chiếm 10%; 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và 80% sản phẩm nông sản của tỉnh được truy xuất nguồn gốc và giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, trước hết tỉnh đang chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số các doanh nghiệp lớn trong các ngành kinh tế trọng điểm như: Công nghiệp, chế biến, chế tạo, khai khoáng, năng lượng, nông nghiệp, giao thông và logistics thông minh, cửa khẩu số, du lịch, kinh tế cửa khẩu...

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, chia sẻ: Để phát triển kinh tế số thì phải phát triển doanh nghiệp số, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, nhất là Sở Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số; xây dựng và triển khai đồng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp, qua đó là thước đo về hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực tăng mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử... Bên cạnh đó, phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tập trung ưu tiên các vùng miền có tỷ lệ phổ cập ngân hàng ở mức thấp.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh và mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; vận hành và nâng cấp, bổ sung tính năng hoạt động cho Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi mô hình kinh doanh, thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển các mô hình ngân hàng số; cải thiện môi trường đầu tư từ việc triển khai nền tảng số, nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hình thành khu công nghiệp thông minh...

Baoquangninh.com.vn