Thúc đẩy phát triển XNK bền vững
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thời gian qua Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, để từng bước tháo gỡ khó khăn, phục hồi hoạt động XNK. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hoạt động mạnh mẽ trở lại, đóng góp chung cho phát triển KT-XH của địa phương.
Thông quan trở lại Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái) từ ngày 30/5/2022.
Nỗ lực giữ “vùng xanh an toàn”
Trong những năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng đến đầu tư, phát triển bền vững, các kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc, cảng biển, sân bay, gắn với các KCN, KKT, cửa khẩu trên địa bàn. Điều này đã góp phần tạo động lực cho tỉnh phát triển mạnh mẽ, kết nối giao thương và thúc đẩy liên kết vùng, hội nhập quốc tế, thuận lợi hóa thương mại, nâng cao kim ngạch XNK.
Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất có biên giới trên bộ, trên biển với Trung Quốc, rất thuận lợi cho hoạt động giao thương hàng hóa tại cửa khẩu. Để phát huy lợi thế này, tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với hoạt động XNK theo chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và yêu cầu phòng dịch từ phía bạn.
Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc chủ động xây dựng các phương án phòng dịch, giữ vững “vùng xanh an toàn” cho khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới. Song song với đó, thường xuyên trao đổi, hội đàm các cấp, các lực lượng với chính quyền phía Trung Quốc về những biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm tạo niềm tin, cùng hợp tác phát triển, sớm khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa, XNK giữa 2 bên.
Điển hình như tại Móng Cái, trong 7 tháng đầu năm, mặc dù hoạt động XNK vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng thành phố đã chủ động thực hiện theo các chỉ đạo của tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, để ổn định hoạt động XNK trên địa bàn. Theo đó, thành phố thường xuyên tọa đàm, trao đổi thông tin, thiết lập và duy trì “vùng xanh an toàn”, khu vực cửa khẩu, lối mở, phù hợp với chiến lược “Zero Covid” phía Trung Quốc. Nhờ đó, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn 7 tháng đầu năm đạt trên 1,5 triệu USD và thu hút mới 128 doanh nghiệp XNK, nâng tổng số doanh nghiệp XNK trên địa bàn thành phố lên thành 455 doanh nghiệp.
Đặc biệt, để chủ động thúc đẩy hoạt động XNK tại các cửa khẩu được diễn ra mạnh mẽ, tỉnh đã triển khai thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh hoạt động XNK hàng hóa, duy trì ổn định và phát triển nguồn thu qua hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh, kết hợp chặt chẽ với hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh.
Công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa XNK cũng được triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả với nhiều sáng tạo, đột phá trong cải cách hành chính. Điển hình như chủ động đổi mới hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp theo từng năm, thông qua các hội nghị gặp gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp theo các nhóm, nội dung trọng tâm, chuyên đề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát nội ngành các lực lượng chức năng trong giải quyết thủ tục XNK, đảm bảo kỷ cương hành chính, chống phiền hà, tiêu cực.
Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai Chính quyền điện tử và hiện đại hóa hải quan, tạo nhiều kết quả đột phá, nhất là giảm thời gian thông quan, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp với lực lượng chức năng, giảm biên chế nhưng đồng thời tăng số lượng tờ khai, tăng kim ngạch, tăng thu NSNN và tăng số lượng thu hút doanh nghiệp mới qua các năm; công tác kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro được đổi mới về tư duy và cách làm, đạt được mục tiêu “kiểm đúng, kiểm trúng” và tăng tỷ lệ phát hiện vi phạm…
Nhờ chủ động thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của môi trường đầu tư, kinh doanh tại cửa khẩu. Đến nay, thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình giảm xuống còn 4h48’ và hàng xuất khẩu còn 1h27’. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh ước đạt trên 1,5 triệu USD, tăng 8,23% so với cùng kỳ và đạt 109,11% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh 7 tháng đầu năm ước đạt 1,7 triệu USD.
Baoquangninh.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024