Tín hiệu khởi sắc từ các khu công nghiệp Quảng Yên
Hiện nay, Quảng Yên là địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) nhất tỉnh với 5/11 KCN, tổng diện tích 4.591ha, bao gồm: KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong và KCN Bạch Đằng. Các KCN trên đã và đang được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, thu hút ngày càng nhiều dự án trọng điểm vào hoạt động. Qua đó, góp phần tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách cho địa phương…
Công nhân Công ty TNHH Competition Team Technology (đầu tư Dự án S - Việt Nam) đang sản xuất các linh kiện điện tử.
Là KCN đi vào hoạt động đầu tiên của TX Quảng Yên, KCN Đông Mai có diện tích 167,86ha với tổng mức đầu tư hạ tầng hơn 1.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, chủ đầu tư (Tổng công ty Viglacera) đã cơ bản hoàn thành san lấp mặt bằng, đầu tư công trình hạ tầng, thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại KCN. Hiện, KCN Đông Mai thu hút được 24 dự án thứ cấp, trong đó có 23 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 563,78 triệu USD và 1 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy KCN theo diện tích đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 97%. KCN Đông Mai đang tạo việc làm cho hơn 9.000 công nhân lao động. Trong đó, đáng chú ý là Dự án S - Việt Nam (chuyên sản xuất mô-đun LCD/OLED và tivi) có tổng vốn đầu tư hơn 3.153 tỷ đồng. Cuối năm 2021, nhà máy S - Việt Nam đi vào hoạt động sản xuất lô hàng linh kiện điện tử đầu tiên xuất khẩu. Năm 2022, sản lượng tivi của Công ty đạt 1 triệu sản phẩm; linh kiện điện tử đạt 0,54 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 389 triệu USD. Đây là 1 trong những nhà máy có doanh thu cao nhất trong KCN Đông Mai. Năm 2023, dự kiến nhà máy phấn đấu sản xuất 1,3 triệu sản phẩm tivi. Doanh thu ước đạt hơn 470 triệu USD. Dự án đang tạo việc làm ổn định cho 1.200 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 8,5- 9 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, các nhà máy trong KCN trên địa bàn TX Quảng Yên duy trì hoạt động sản xuất ổn định. Năm 2022, giá trị sản xuất tại các KCN đạt 22.800 tỷ đồng, chiếm 88% tổng giá trị ngành công nghiệp. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu của các KCN TX Quảng Yên đạt gần 190 triệu USD, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2022.
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng tại Quảng Ninh, 2 dự án FDI mới vào KKT Quảng Yên đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cả 2 dự án này đều thuộc nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể là phụ trợ của ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, dự án của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển là Công ty TNHH Autoliv Việt Nam đầu tư vào KCN Sông Khoai có tổng mức đầu tư 154 triệu USD (tương đương 3.773 tỷ đồng), sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với công suất thiết kế 10 triệu sản phẩm/năm. Dự án còn lại có mức vốn 165 triệu USD (tương đương 4.080 tỷ đồng) của nhà đầu tư đến từ Đài Loan. Nhà đầu tư này sẽ triển khai sản xuất các sản phẩm phụ trợ ngành công nghiệp ô tô Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong.
Được biết trước đó, ngày 12/1/2023, tại KCN Bắc Tiền Phong đã khởi công dự án Phát triển công nghiệp BW Bắc Tiền Phong. Đây là dự án thứ cấp đầu tiên được triển khai tại KCN này với tổng vốn đầu tư 20,5 triệu USD trên diện tích quy hoạch 7,4ha. Dự án sẽ xây dựng hệ thống nhà xưởng và nhà kho chất lượng cao để phục vụ cho các dự án sản xuất, kinh doanh tại KCN Bắc Tiền Phong. Qua đó, góp phần tạo thêm lợi thế của Khu công nghiệp này trong việc thu hút đầu tư.
Theo kế hoạch đề ra, trong năm nay, Quảng Ninh dự kiến thu hút 18 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD. Trong đó, có 13 dự án được đầu tư tại TX Quảng Yên, gồm KCN Bắc Tiền Phong 4 dự án; KCN Sông Khoai 6 dự án; KCN Đông Mai 3 dự án. Đây là những dự án mang tính dẫn dắt, động lực cho khu kinh tế ven biển Quảng Yên bứt phá phát triển.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”. Cùng với các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, TX Quảng Yên đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm và hoàn thiện hạ tầng các KCN. Đồng thời, địa phương cũng đang đẩy mạnh xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào 5 KCN, qua đó tạo bứt phá, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024