Tin tức đầu tư


Tọa đàm thực hiện mô hình quản lý, phát triển xã hội

15/03/2023

Nhằm phục vụ cho Đề tài nghiên cứu “Mô hình quản lý và phát triển xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sáng 15/3, Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tọa đàm về thực hiện mô hình quản lý, phát triển xã hội ở quy mô tỉnh trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học - giáo dục, quốc phòng - an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. GS, TS Phạm Văn Đức, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Triết học Việt Nam và đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích, làm rõ, chia sẻ những kinh nghiệm đạt được của tỉnh Quảng Ninh trên các mặt công tác và mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng động lực, trọng điểm của Vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh đã kiên trì thực hiện các mô hình tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,9%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%; khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 5,2% trong cơ cấu kinh tế.

GS, TS Phạm Văn Đức, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Triết học Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm.

GS, TS Phạm Văn Đức, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Triết học Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt 269.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); năng suất lao động bình quân 3 năm (2020 - 2022) tăng trên 10% (năm 2022 tăng trên 13%); tổng thu NSNN trên địa bàn 3 năm (2020, 2021, 2022) đạt 156.263 tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Từ những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh luôn kiên trì đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân bằng những giải pháp, việc làm hết sức thiết thực, hiệu quả. Vai trò của người đứng đầu được phát huy, với niềm tin, khát vọng vươn lên bằng những tư duy đổi mới, sáng tạo, được vận hành bởi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng, hết sức vì lợi ích phát triển chung của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại tọa đàm.

Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại tọa đàm.

Cùng với đó, Quảng Ninh sớm nhận diện những bất cập, an ninh phi truyền thống để đưa ra những chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, tỉnh và được tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên; tập trung lắng nghe, giải quyết những kiến nghị của nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị.

GS, TS Phạm Văn Đức, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương bày tỏ, qua trao đổi, đoàn công tác thấy rõ hơn mô hình phát triển của Quảng Ninh trong thời gian qua và định hướng lâu dài. Trong đó, đồng chí đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở; có nhiều cơ chế, chính sách thiết thực, cụ thể để triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra. Đây là những kinh nghiệm quý từ thực tiễn, làm cơ sở để Hội đồng lý luận Trung ương bổ sung, hoàn thiện Đề tài “Mô hình quản lý và phát triển xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Báo Quảng Ninh