TP Đông Triều: Chủ động xúc tiến đầu tư, tạo đà bứt phá phát triển
Trong hành trình phát triển lên đô thị hiện đại, TP Đông Triều đã và đang khẳng định vai trò là “đầu tàu” kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh. Với định hướng rõ ràng, hạ tầng đồng bộ và chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, công tác xúc tiến đầu tư tại địa phương đã mang lại những kết quả rõ nét, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đồng hành cùng nhà đầu tư, chuẩn bị hạ tầng đón dòng vốn mới
Công ty TNHH Mira Tav đang xây dựng xưởng sản xuất.
Năm 2024, Đông Triều ghi nhận nhiều nỗ lực trong thu hút đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn ước đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, không thể không nhắc đến sự chủ động, linh hoạt trong việc tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án trên địa bàn. Một ví dụ điển hình là dự án của Công ty TNHH Mira Tav, chuyên sản xuất đồ uống, kem, nước ion kiềm và nước có vị, với quy mô lên tới 40 triệu lít/năm, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng trên diện tích 58.000m².
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuyên, Trưởng phòng Hành chính Nhân sự của công ty, từ năm 2021 đến năm 2024, Mira Tav gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do vướng mắc liên quan đến chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh và chính quyền TP Đông Triều, đến năm 2024, dự án đã được bàn giao mặt bằng và chính thức đi vào hoạt động sản xuất. “Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương đã tiếp thêm niềm tin cho doanh nghiệp chúng tôi yên tâm đầu tư lâu dài tại đây”, ông Tuyên chia sẻ.
Nhờ sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn trong xúc tiến đầu tư của tỉnh và thành phố Đông Triều năm 2024 những chai nước đầu tiên của Công ty TNHH Mira Tav đã được sản xuất.
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ từng dự án cụ thể, Đông Triều còn chủ động quy hoạch và chuẩn bị hạ tầng để thu hút làn sóng đầu tư mới. Một trong những dấu ấn nổi bật là việc đề xuất thành lập Cụm công nghiệp Yên Thọ, tại phường Yên Thọ và phường Yên Đức. Đây là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở tiểu thủ công nghiệp cần di dời ra khỏi khu dân cư.
Cụm công nghiệp Yên Thọ có diện tích khoảng 44,57ha, dự kiến bố trí cho các ngành như sản xuất đồ uống, chế biến thực phẩm, cơ khí, vật liệu xây dựng… Dự án do Công ty CP Kim Long làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, với tổng vốn đầu tư hơn 555 tỷ đồng.
Việc hình thành cụm công nghiệp này không chỉ giúp tập trung các cơ sở sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường tại khu dân cư, mà còn mở rộng quỹ đất phát triển công nghiệp, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đây cũng là minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của Đông Triều trong định hình không gian phát triển công nghiệp hiện đại, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu xây dựng đô thị sinh thái, thông minh, bền vững.
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy các dự án, động lực cho tăng trưởng
- TP Hạ Long: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các xã vùng cao
- Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 14,32% kế hoạch
- Hạ tầng giao thông đi trước để phát triển vùng khó
- Hội nghị phân tích kết quả khảo sát Đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp sở, cấp huyện và cấp xã năm 2024 (DTI) của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư
- Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư trong KCN Sông Khoai
- Động thổ Dự án Cụm công nghiệp Đầm Hà B
- Cảng biển Quảng Ninh: Kết nối để vươn xa
- Tăng sức hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp
- Tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất trong các khu công nghiệp