TP HẠ LONG: GIA TĂNG "SỨC KHOẺ" CHO DOANH NGHIỆP
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp vận tải, lữ hành, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa... Đồng hành cùng doanh nghiệp, thành phố Hạ Long đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ đúng nhu cầu, đúng thời điểm Đại diện doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, tháng 8/2021. Giữ vai trò là địa phương trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ, phần lớn cộng đồng doanh nghiệp thành phố tiếp tục phải đối diện với rất nhiều khó khăn thách thức khi các lĩnh vực này đều chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Trước những khó khăn đó, năm 2021 thành phố đã tổ chức 10 chương trình tọa đàm, hội nghị tiếp xúc, trao đổi với người lao động, doanh nghiệp. Qua đó, tiếp nhận 37 ý kiến với 45 đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp. Qua các chương trình tọa đàm, hội nghị, nhận thấy doanh nghiệp, người lao động đều có mong muốn sớm tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh, thành phố đã yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng rà soát các doanh nghiệp nằm trong diện được hỗ trợ để hướng dẫn hoàn thiện thủ tục theo quy định. Cụ thể, thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và của tỉnh về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, thành phố đã giải quyết giảm đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 2.900 đơn vị và trên 78.000 lao động, tổng số tiền 14,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho 599 người lao động của 3 doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, gần 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ cho 482 người lao động của 43 đơn vị, doanh nghiệp do tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, hơn 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ 304 hộ kinh doanh, 912 triệu đồng; Ngân hàng CSXH thành phố rà soát, hỗ trợ chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 20 doanh nghiệp với 337 lao động, 795 lượt người lao động vay vốn, hơn 2,8 tỷ đồng. Chế biến sản phẩm tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh. Ông Lê Xuân Cầu, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Ninh, chia sẻ: Dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động xuất, nhập khẩu của Công ty bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm của người lao động. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, thành phố đã yêu cầu các phòng, ban chuyên môn rà soát các gói hỗ trợ của trung ương và của tỉnh; từ tháng 8/2021, Công ty được giảm 1% lãi suất tiền vay, quý III/2021 được giảm 10% số tiền điện phải trả. Nguồn tiền hỗ trợ đối với đơn vị tuy không nhiều, nhưng đó là nguồn động viên, giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn vượt qua đại dịch. Cùng với hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thành phố tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các cơ sở, hộ kinh doanh thông qua bằng nhiều hoạt động thiết thực: Hỗ trợ điểm bán hàng miễn phí; kết nối triển khai hỗ trợ tiêu thụ; hỗ trợ doanh nghiệp mở các gian hàng quốc gia trên các sàn giao dịch điện tử thương mại lớn (Alibaba, Amazone, Tiki, Lazada, Sendo, Shopee); phối hợp với Chi nhánh Bưu chính Viettel Quảng Ninh đưa sản phẩm hàng hóa của 2 đơn vị lên sàn thương mại điện tử. Với những nỗ lực này, trong Bảng xếp hạng DDCI 2021, TP Hạ Long đã cải thiện được rất nhiều điểm số so với những năm trước đó để đứng ở nhóm những địa phương tốt về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Gắn từng nội dung với trách nhiệm cụ thể Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long rà soát, xử lý kịp thời những hồ sơ trả chậm. Nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển của thành phố, ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, khẳng định: Hạ Long luôn xác định "sức khỏe" của doanh nghiệp là "sức khỏe" của nền kinh tế, nên chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa giai đoạn tới, xây dựng Hạ Long trở thành một đô thị xanh, thông minh, đa cực. Với quyết tâm gia tăng “sức khỏe” cho doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm nay, thành phố đã ban hành kế hoạch tiếp xúc doanh nghiệp, hội nghị phân tích, đánh giá kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương và bàn những giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Lực lượng chức năng phường Yết Kiêu (TP Hạ Long) kiểm tra công tác phòng dịch tại Khu vui chơi, giải trí Hạ Long View. Các kế hoạch, giải pháp đều gắn trách nhiệm với từng đơn vị chủ trì, đơn vị thực hiện theo những nhiệm vụ cụ thể. Cụ thể như với Trung tâm Hành chính công, thành phố yêu cầu phải tăng cường công khai minh bạch quy trình, thủ tục hành chính để doanh nghiệp biết các thành phần hồ sơ; kiểm soát chặt chẽ quá trình nhận, trả hồ sơ, nhằm giảm số lượng hồ sơ bị trả lại; tham mưu cho thành phố đảm bảo số lần thanh kiểm tra không chồng chéo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn chống dịch và không gây cản trở đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phòng Kinh tế thành phố phải đổi mới cách thức, chú ý đến chất lượng tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, doanh nhân, tăng số lượng chương trình và tỷ lệ doanh nghiệp được mời. Phòng Tư pháp thành phố phải công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử về các cơ chế, chính sách mới, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đang triển khai, các dự án, hạng mục đầu tư, nhằm thu hút doanh nghiệp tham khảo thông tin thường xuyên. Các phòng TN&MT, Quản lý đô thị thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm và tiến độ GPMB các dự án liên quan đến diện tích đất phải thu hồi lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Đồng thời, thành phố sẽ thường xuyên chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với CBCCVC trong thực thi công vụ, đặc biệt CBCC trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc có liên quan tới doanh nghiệp. Các giải pháp này đều hướng đến mục tiêu chung là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, từ đó thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển của thành phố. |
Bài viết cùng chuyên mục
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024
- Thúc đẩy phát triển bền vững trong doanh nghiệp
- UBND tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng các văn bản quy định chi tiết theo Luật Đất đai 2024
- Hội thảo khoa học về các giải pháp phát triển kinh tế số Quảng Ninh
- “Cánh cửa” mới kết nối thị trường khách du lịch Trung Quốc
- Kịch bản tăng trưởng 2025 cần xây dựng ở mức cao hơn để đáp ứng mục tiêu đặt ra