Trụ đỡ bền vững kinh tế Quảng Ninh
Quảng Ninh đang chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường vào GRDP và thu ngân sách; đồng thời phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Sản xuất VLXD tại Công ty CP Gốm Đất Việt (TX Đông Triều).
Trong 2 năm vừa qua, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với đời sống, xã hội, nhất là đối với du lịch, dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn, chủ đạo của tỉnh, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy, hành động, lấy ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Đi đôi với tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, Quảng Ninh tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.
Qua 2 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, công nghiệp chế biến, chế tạo đã khẳng định là ngành quan trọng và là một trong những "trụ cột" chính trong nền kinh tế của tỉnh. Hiện các mục tiêu, tốc độ tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư vào tỉnh đã vượt mục tiêu đề ra. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP tăng dần, năm 2020 chiếm 9,8%, năm 2021 chiếm 11,3%, năm 2022 chiếm 11,5%. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 tăng 30,73%, năm 2022 tăng 16,54%; bình quân tăng trưởng 2021-2022 đạt 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra (nghị quyết là 17%/năm).
Quảng Ninh thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021-2022 đạt hơn 41.300 tỷ đồng, đạt trên 80% chỉ tiêu nghị quyết (mục tiêu đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025), trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD. Tổng số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thêm qua 2 năm là 12.000 người, nâng tổng số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện có trên địa bàn tỉnh là 15.686 người, đạt 130,7% so với mục tiêu nghị quyết đề ra.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Có được kết quả trên, tỉnh đã phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo một cách rõ nét. Hạ tầng giao thông kết nối được quy hoạch, đã và đang được triển khai đồng bộ tạo hành lang kết nối thuận lợi hai phía Đông - Tây của tỉnh, kết nối thuận tiện đến các KKT, KCN, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KT-XH nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.
Sản xuất than hầm lò tại Công ty Than Dương Huy (TKV).
Công nghiệp khai khoáng được duy trì, phát triển ổn định, bền vững, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, điều này thể hiện qua sản lượng sản xuất tăng theo từng năm. Trong đó, sản lượng sản xuất than sạch năm 2021 đạt 45,116 triệu tấn, tăng 8,8% so với năm 2020; năm 2022 đạt 45,225 triệu tấn, tăng 0,24% so với năm 2021; tăng trưởng bình quân tăng 4,4%/năm.
Mặc dù tỷ trọng ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% (năm 2015) xuống còn 18,3% (năm 2022) phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tuy nhiên vẫn có đóng góp lớn vào thu nội địa của tỉnh (năm 2020 đóng góp 39,1%; năm 2021 đóng góp 36,7%; năm 2022 đóng góp 40,9%).
Công nghiệp sản xuất điện mặc dù có sự sụt giảm, sản lượng ước đạt 87,4 tỷ kWh, bình quân giảm 1,01%/năm do trên địa bàn tỉnh không phát sinh các nhà máy điện mới đưa vào vận hành; các nhà máy điện tại Quảng Ninh đã đi vào hoạt động trong thời gian dài, trong quá trình sản xuất phải dừng vận hành để bảo dưỡng, sửa chữa, tuy nhiên tỉnh vẫn duy trì là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao.
Quảng Ninh hiện có bước phát triển mới về ngành điện, đã thu hút đầu tư Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại TP Cẩm Phả. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW. Dự án có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp điện, tạo cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp khí, đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm. Hiện dự án đang từng bước được triển khai theo quy định.
Từ những định hướng chiến lược đã được xác định, ngành công nghiệp Quảng Ninh đang từng bước vươn lên phát triển mạnh mẽ, bền vững, khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế.
Mạnh Trường BQN
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024