UBND TỈNH CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Ngày 7/1, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe và cho ý kiến về Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.
Đơn vị tư vấn báo cáo Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng bền vững; khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ; từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với những sản phẩm chủ lực, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, lợi thế cạnh tranh lớn, đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, khu vực và thế giới.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% diện tích trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh. Sản lượng chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đề án thực hiện chuyển đổi khoảng 3% diện tích sản xuất trồng trọt thông thường đối với những sản phẩm cây trồng chủ lực của tỉnh sang sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1% tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5% diện tích nuôi trồng đối với một số sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Tỷ lệ sản lượng theo hướng hữu cơ trên tổng sản lượng của cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ thuộc danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt khoảng 70% đối với hình thức khai thác từ tự nhiên và đạt ít nhất 30% đối với hình thức thâm canh. Giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ so với sản xuất phi hữu cơ đạt từ 15% trở lên.
Đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5% diện tích đất trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ và theo hướng hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nuôi trồng đối với một số sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng của cây dược liệu và cây lâm sản ngoài gỗ thuộc danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt khoảng 90% đối với hình thức khai thác từ tự nhiên và đạt khoảng 50% đối với hình thức thâm canh. Giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ so với sản xuất phi hữu cơ đạt từ 20% trở lên.
Đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp.
Tại cuộc họp, UBND tỉnh cũng đã nghe đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xác định danh mục 19 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, bao gồm: 6 sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, 4 sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 5 sản phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản và 4 sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Thành yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh các đề án.
Đối với Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí yêu cầu phải làm rõ được tầm quan trọng và tính khả thi của Đề án. Đơn vị tư vấn phải khảo sát, đánh giá đúng thực trạng sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng, để lựa chọn đúng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, đảm bảo phù hợp và có tính ổn định lâu dài. Xây dựng phương án quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo minh bạch, tránh trà trộn sản phẩm không đạt chuẩn hữu cơ. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các nhà hàng, cửa hàng và siêu thị lớn. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Thu hút, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất nông nghiệp hữu cơ với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đối với Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Phạm Văn Thành yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định vùng sản xuất, từ đó, có phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Xác định rõ điều kiện chế biến, hướng tiêu thụ, khả năng cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đối với từng loại sản phẩm nông sản chủ lực. Nghiên cứu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, cơ sở chế biến nông sản sát vùng quy hoạch sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình sản xuất nông nghiệp hay, hiệu quả tốt, nhằm thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: Sưu tầm
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024