Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
Bên cạnh khai thác than, công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh xác định đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 16/11/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự án sản xuất linh kiện điện tử thông minh thứ hai của Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam đang được triển khai xây dựng tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).
Sau dự án đầu tiên triển khai tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), năm 2023 Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam tiếp tục đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử thông minh thứ hai tại đây với tổng mức đầu tư trên 40 triệu USD, gấp đôi so với dự án đầu tiên. Ông Liu Mu Sheng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, cho biết: Có 3 lý do để lãnh đạo của công ty tiếp tục đầu tư dự án sản xuất thứ hai tại Quảng Ninh, đó là hạ tầng giao thông đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với dự án thứ hai dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2024, giá trị sản xuất của công ty tại KCN Đông Mai sẽ tăng gấp nhiều lần. Trong định hướng phát triển, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm các dự án mới tại KCN này. Từng bước hình thành chuỗi dây chuyền sản xuất đồng bộ tại đây.
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 01, các KCN trên địa bàn TX Quảng Yên đã thu hút được 42 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 3 tỷ USD, 6 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn 42.000 tỷ đồng. Với các dự án đầu tư mới, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của TX Quảng Yên đã có bước tăng trưởng đột phá, chiếm trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, trở thành đòn bẩy quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng bền vững hơn.
Sản xuất tấm Silic Jinko Solar tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên).
Hiện nay, nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn TX Quảng Yên đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, những dự án này sẽ góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo ra hàng vạn việc làm mới với mức thu nhập ổn định. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thị xã tiếp tục đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa Quảng Yên trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch công nghệ cao của tỉnh và khu vực.
Không chỉ với Quảng Yên, triển khai Nghị quyết số 01, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, đất đai; đẩy mạnh cải cách TTHC; thường xuyên lắng nghe, tìm hiểu và tháo gỡ các nút thắt của nhà đầu tư; hoàn thiện hạ tầng các KCN... Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến giải pháp cốt lõi là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối vùng, nội vùng và khu vực lân cận. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, nhà đầu tư.
Trong 3 năm trở lại đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân đạt 19,68% và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP, ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu tập trung tại các KKT, KCN đảm bảo đảm đúng định hướng đề ra.
Với môi trường đầu tư thuận lợi, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại, các địa phương trong tỉnh đã và đang có sức hút mạnh mẽ với những doanh nghiệp đầu tư trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, thu hút khoảng 2 tỷ USD/năm vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động trở lên. Giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên. Tỷ trọng đóng góp cho GRDP hằng năm của công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025 khoảng 20%; tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo hằng năm đạt 20% trở lên...
Lê Nam BQN
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam