Việt Nam: Điểm đến đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2025
Bất chấp những lo ngại về thuế quan từ Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm 2025.
Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định, số lượng các nhà sản xuất Trung Quốc muốn thành lập hoặc mở rộng cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã tăng vọt kể từ năm 2018, và con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, bất chấp những lo ngại từ chính sách thuế quan từ Hoa Kỳ.
Quang cảnh Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: AFP.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, với hơn 3,61 tỉ USD tiền vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong một tuyên bố vào tháng trước, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định, các doanh nghiệp từ Trung Quốc đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định vào Việt Nam.
Một trong những doanh nghiệp Trung Quốc đó là TCL Smart Device Việt Nam, thuộc Tập đoàn công nghệ TCL của Trung Quốc. Được biết, công ty TCL đã điều hành một nhà máy bên bờ sông Sài Gòn ở tỉnh Bình Dương từ năm 2019. Theo dự báo của SCMP, nhà máy này sẽ sản xuất hơn 6 triệu chiếc tivi trong năm 2024, và có khả năng tăng sản lượng lên 8 triệu chiếc vào năm tới.
Trả lời phỏng vấn của SCMP, ông Ding Wei, Tổng giám đốc Công ty TCL Smart Device Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự lạc quan về triển vọng dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Ding Wei lý giải rằng sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, chính sách ưu đãi từ Chính phủ, và vị trí địa lý liền kề Trung Quốc giúp tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ hoặc đường biển là những yếu tố then chốt cho triển vọng đầu tư từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhờ nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng được đánh giá vượt trội so với nhiều trung tâm sản xuất mới nổi tại châu Á.
Ông Ding nói thêm, Việt Nam đã ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian qua, khiến hàng xuất khẩu từ Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 17 FTA với 50 quốc gia, bao gồm Hiệp định Thương mại Song phương Hoa Kỳ - Việt Nam, giúp phần lớn hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ phải chịu thuế tối đa 15%.
Theo ông Ding Wei, các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ông nhận định, chỉ cần tuân thủ tỷ lệ nội địa hóa hợp pháp 30% đối với một sản phẩm nhất định, các doanh nghiệp có thể thực hiện một phần quy trình sản xuất tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Hoa Kỳ qua Việt Nam, mà không chịu tác động từ rào cản thương mại.
Nhận định về triển vọng của Việt Nam, ông Ding Wei nhấn mạnh rằng, nền kinh tế nước ta đã đạt động lực "thực sự mạnh mẽ" trong thập kỷ qua. Ông khẳng định điều này là yếu tố hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng các lợi thế của Việt Nam sẽ tiếp tục lớn mạnh trong vòng 5 năm tới.
Đồng quan điểm, ông Jack Nguyễn, Tổng giám đốc điều hành của Công ty dịch vụ InCorp, nhận định dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tăng mạnh khi Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm sau. Ông tiết lộ rằng mỗi tuần, InCorp hỗ trợ một hoặc hai doanh nghiệp Trung Quốc thành lập tại Việt Nam, trong bối cảnh nhiều công ty bày tỏ lo ngại về khả năng sản xuất tại Trung Quốc.
Trước đó, ông Donald Trump đã cam kết áp mức thuế tối thiểu 60% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đầu tuần trước, ông đã tuyên bố sẽ tăng thêm 10% thuế nhập khẩu từ quốc gia này ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Tuy nhiên, một số nhà quan sát thị trường lo ngại, ông Donald Trump cũng có thể áp thuế quan với hàng hóa từ Việt Nam, do nước ta có thặng dư thương mại hơn 100 tỷ USD mỗi năm với Hoa Kỳ.
Trao đổi với SCMP về lo ngại này, bà Winnie Lam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ các chính sách trong nhiệm kỳ đầu của ông Donald Trump, nhưng không ai dám chắc điều đó sẽ kéo dài bao lâu”.
Dù vậy, bà Lam cho rằng, bất kỳ mức thuế quan nào áp dụng riêng với Việt Nam cũng sẽ có “tác động tiêu cực đến nền kinh tế Hoa Kỳ” do sự gia tăng chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp nước này. Đồng thời, bà nhấn mạnh, các doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy tại Trung Quốc cũng phải đối mặt nguy cơ bị tăng thuế, khiến họ tiếp tục chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.
“Các đoàn doanh nghiệp Canada đã đưa hàng trăm đại diện đến Việt Nam từ đầu năm ngoái để hoàn tất giao dịch”, bà Lam chia sẻ. “Một số nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, không quan tâm việc kinh doanh tại Việt Nam có mang lại lợi nhuận hay không, miễn là rủi ro được phân tán một cách hợp lý”.
Theo Báo Công Thương
Bài viết cùng chuyên mục
- Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp
- Hấp dẫn Khu kinh tế ven biển Quảng Yên
- Đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven sông
- Cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh
- Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Đông Triều năm 2025
- Hạ tầng giao thông mở ra không gian phát triển liên kết vùng
- TỌA ĐÀM HIỆU CHỈNH BỘ PHIẾU KHẢO SÁT DDCI QUẢNG NINH NĂM 2024
- Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm mới ở mức cao hơn
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tiếp và làm việc với Công ty cổ phần công nghệ khoa học Bảo vệ tài nguyên môi trường Quảng Châu, Trung Quốc
- Sách Trắng về Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh năm 2024