Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao
Trang tin tức thị trường Yahoo!finance vừa đăng bài viết cho biết Việt Nam, Trung Quốc và một số nước châu Á nằm trong số 20 nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong 10 năm trở lại đây.
Ảnh minh họa: TTXVN
Số liệu trong bài viết trên căn cứ nguồn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cụ thể, các nhà phân tích đã xem xét mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội thực (GDP thực là thước đo tổng sản phẩm quốc nội đã điều chỉnh lạm phát, phản ánh giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ do một nền kinh tế tạo ra trong một năm nhất định) dựa vào dữ liệu trong giai đoạn 2012-2022 để tính mức tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua.
Theo đó, với mức tăng trưởng GDP thực trung bình là 6,1% trong một thập niên trở lại đây, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Ngành nông nghiệp của Việt Nam là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, vừa đóng góp cho GDP, vừa tạo việc làm.
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lần đầu đạt 53,22 tỷ USD vào năm 2022, tăng 9,3% so với năm 2021. Nhờ vậy, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của nền kinh tế. Trong nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, 7 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD; 8 sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD bao gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Riêng về gạo, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,3 triệu tấn với tổng trị giá 3,54 tỷ USD trong năm 2022, tăng gần 7% so với năm 2021. Đây là kim ngạch xuất khẩu gạo cao nhất từ trước tới nay do giá tăng cao. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ở mức 485 USD/tấn, cao nhất thế giới.
Bài viết dẫn số liệu của Việt Nam cho thấy Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với kim ngạch đạt 13,3 tỷ USD, tương đương 25% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc với hơn 10 tỷ USD (18,9% thị phần); Nhật Bản với 4,2 tỷ USD (7,9% thị phần); Hàn Quốc với 2,5 tỷ USD (4,7% thị phần).
Ở cấp độ châu lục, châu Á chiếm 44,7% thị phần, châu Mỹ 27,4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%.
Cũng theo bài viết, 5 nước đứng đầu danh sách 20 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 10 năm là Guyana (Nam Mỹ) ở vị trí số 1 với mức tăng GDP trung bình gần 15%. Đứng thứ 2 là Ireland (châu Âu) với hơn 9%, tiếp đến là Ethiopia (châu Phi) với 8,43%, Tajikistan (Trung Á) với hơn 7% và Côte d’Ivoire (Tây Phi) với hơn 6,8%.
Theo baotintuc.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
- Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân
- Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh hợp tác với đối tác Bỉ vì tương lai xanh và bền vững
- Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh thăm, làm việc tại Vương quốc Bỉ
- Diễn đàn hợp tác đầu tư thương mại du lịch Quảng Ninh – Nhật Bản 2025
- Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp tại Osaka Nhật Bản
- Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka Nhật Bản
- Khai mạc Tuần lễ Quảng Ninh EXPO 2025 tại Nhật Bản
- Để công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng