Tin tức đầu tư


Việt Nam vẫn là địa chỉ tin cậy của dòng vốn ngoại

10/07/2023

Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Sản xuất, lắp ráp ô-tô Ford tại Công ty TNHH Ford Việt Nam (TP Hải Dương). (Ảnh TRẦN HẢI)

Mặc dù chưa phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19 nhưng sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang chậm lại, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam.

Những tín hiệu tích cực

Sáu tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ. Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Hương Nga nhận định so cùng kỳ năm 2022, thu hút FDI giảm 4,3% nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. Đó là số dự án đăng ký đầu tư mới tiếp tục tăng cao và hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã cải thiện hơn.

So cùng kỳ năm 2022, thu hút FDI giảm 4,3% nhưng đã có những dấu hiệu tích cực. Đó là số dự án đăng ký đầu tư mới tiếp tục tăng cao và hoạt động góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã cải thiện hơn.

Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng Phí Hương Nga

Cụ thể, vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so cùng kỳ; vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 76,8%. Riêng vốn đăng ký tăng thêm giảm mạnh 57,1% dù số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn vẫn tăng ở mức 29,8%. Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các địa phương có nhiều lợi thế trong thu hút vốn FDI như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai… Các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 76,1% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong sáu tháng đầu năm. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án đạt khoảng 10,02%, tăng 0,5% so cùng kỳ.

“Những con số này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư an toàn của Việt Nam”, bà Phí Hương Nga nhận xét. Tuy nhiên tại thời điểm này, tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và quyết định mở rộng đầu tư. Trong khi đó, các tập đoàn lớn lại đang cẩn trọng xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm 2024.

Điểm tích cực là triển vọng thu hút vốn FDI được dự báo sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm nhờ khả năng hiện thực hoá cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Mỹ thông qua các hoạt động ngoại giao cấp cao diễn ra trong nửa đầu năm. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc cuối tháng 6/2023 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam, hơn 100 bản ghi nhớ hợp tác đã được các doanh nghiệp hai bên ký, trao đổi.

Lắp ráp máy điều hòa tại Công ty Daikin Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long II (tỉnh Hưng Yên). (Ảnh ĐỨC AN)

Ông Lee Jae - yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung chia sẻ, doanh nghiệp này đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, trong đó có đổi mới sáng tạo. Chủ tịch Tập đoàn Samsung cũng khẳng định, sự phát triển của Việt Nam cũng chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Trước đó, trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, Đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ -ASEAN gồm đại diện hơn 50 tập đoàn lớn cũng đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Qua nhiều cuộc làm việc, thảo luận về các vấn đề liên quan chính sách, cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư với các bộ, ngành của Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư và bày tỏ mong muốn hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển chuỗi cung ứng bền vững; cam kết sẽ là đối tác và nguồn lực tin cậy thúc đẩy các mục tiêu và ưu tiên kinh tế chung.

Các hoạt động này mở ra kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút thêm nhiều dự án công nghệ cao trong chiến lược “xây tổ đón đại bàng” ở các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư như năng lượng xanh, kinh tế số, y tế, chip bán dẫn…

Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thành Trung, 35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.

35 năm qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được Đảng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thành Trung

 

Với các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt khi dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023 nhưng nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19 lại tăng cao. Do đó, thu hút vốn FDI vào Việt Nam đang gặp không ít khó khăn thách thức, tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới để từ đó mở ra những cơ hội, động lực mới trong hợp tác phát triển.

Theo bà Phí Hương Nga, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng. Trước hết, cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Đồng thời rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; nâng cao chất lượng nguồn lao động và phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút vốn FDI; chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh đó, phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, bao gồm rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

Theo nhandan.vn