Vốn FDI 'lội' ngược dòng
08/08/2023
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã bật tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm, xuất hiện những dự án quy mô lớn.
Động thái của các nhà đầu tư FDI đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, hiện thực hóa những cam kết trước đó. Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) mới đây đã công bố kế hoạch đầu tư một nhà máy sợi carbon, vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, trong đó giai đoạn đầu đầu tư 160 triệu USD, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Kế hoạch này tương đồng với chia sẻ của ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc mới đây.
Ông Cho Hyun Joon cho biết, tập đoàn đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỷ Won (khoảng 3,5 tỷ USD), sử dụng khoảng hơn 9.000 lao động. Hyosung coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm, muốn đặt tương lai 100 năm tới của tập đoàn tại Việt Nam.
FDI vào Việt Nam đã bật tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm. Ảnh: Như Ý.
Tổng vốn FDI vào Việt Nam tăng trở lại trong tháng 7, có sự đóng góp quan trọng của việc mở rộng dự án LG Innotek Hải Phòng thêm 1 tỷ USD. Điều này giúp Hải Phòng vươn lên đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI, chỉ xếp sau Hà Nội.
Nhiều địa phương cũng chứng kiến những tín hiệu khởi sắc trong thu hút FDI, với loạt chứng nhận đầu tư được trao. Cùng thời điểm công bố quy hoạch tỉnh, Long An trao giấy chứng nhận đầu tư 9 dự án với tổng vốn 1,7 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Không chỉ vốn đăng ký, mà vốn giải ngân trong 7 tháng cũng tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái (ước đạt 11,58 tỷ USD).
Tốc độ tăng dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dự án mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI như hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư…
Bất chấp những thách thức bên ngoài đang tiếp diễn, Ngân hàng HSBC cho rằng, triển vọng FDI của Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên. So với các quốc gia trong khu vực, tính theo phần trăm GDP, Việt Nam vẫn là nước nhận FDI lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Malaysia.
Để tăng sức thu hút, giữ chân dòng vốn FDI trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sắp được thực thi, Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, tìm giải pháp ứng phó. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết, nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh, tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Theo tienphong.vn