"Vùng Đồng bằng sông Hồng phải dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước"
PHÁT BIỂU KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng và Xúc tiến đầu tư vùng
---
Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương!
Thưa quý vị đại biểu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển và toàn thể các đồng chí!
Hôm nay, trong không khí phấn khởi cả nước mừng Xuân mới Quý Mão 2023, tại thành phố biển Hạ Long tươi đẹp, chúng ta rất vui mừng tới dự Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tới quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.
Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
Nghị quyết số 30 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng trong tình hình mới (trên cơ sở tổng kết, đánh giá Nghị quyết 54 năm 2005 và Kết luận 13 năm 2011 của Bộ Chính trị). Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện (Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023); thành lập hội đồng vùng, xây dựng cơ chế chính sách, cơ chế hoat động vùng. Đây là chương trình hành động cuối cùng trong 6 chương trình hành động của Chính phủ.
Tôi biểu dương Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành liên quan, địa phương trong vùng và các đối tác đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ và tổ chức chu đáo hội nghị “3 trong 1" quan trọng hôm nay: (1) Triển lãm thành tựu phát triển KTXH và giới thiệu nông sản đặc trưng của vùng; (2) Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; (3) Xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Hồng.
Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
Tôi đánh giá cao báo cáo hội nghị được trình bày ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng; các tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết, đặc biệt là đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi; qua đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao của toàn thể chúng ta để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng, góp phần sớm đưa Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống, xã hội.
Tôi yêu cầu Bộ KH&ĐT, các bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp và nâng cao tính hiệu quả, khả thi trong xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển vùng và các địa phương trong vùng. Các địa phương cũng phải nhanh chóng xây dựng chương trình hành động của mình để đảm bảo sự đồng bộ với chương trình hành động của Chính phủ.
Hội nghị thống nhất cao báo cáo của Bộ KH&ĐT, ý kiến của các địa phương, bộ, ngành và quý vị đại biểu. Sau đây, tôi nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm:
I. VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ, TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA VÙNG
- Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 6,42% diện tích (khoảng 21,278 nghìn km2).
- Là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.
- Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với đầy đủ 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển) kết nối với 04 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, Gồm: (i) Hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; (ii) Hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; (iii) Hành lang kinh tế Bắc - Nam (có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam) tham gia vào tuyến hành lang xuyên Á; (iv) Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình, tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh phía Bắc.
- Vùng biển có diện tích lớn, có tiềm năng lớn phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ.
- Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nền văn hóa sông Hồng, văn minh lúa nước; có 03 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, gồm: Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, 05 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, gồm: Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Nghi lễ và trò chơi Kéo co, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, 52 di tích quốc gia đặc biệt, 77 bảo vật quốc gia, gần 2 nghìn di tích quốc gia, gần 7 nghìn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước); là trung tâm hàng đầu cả nước về y tế, giáo dục - đào tạo; đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao. Người dân yêu quê hương, đất nước; đoàn kết, anh dũng; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; ham học hỏi và giàu lòng nhân nghĩa, thủy chung...
II. VỀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN VÙNG
1. Về một số kết quả nổi bật
- Tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, giai đoạn 2005 - 2020 bình quân đạt 7,94%/năm (cả nước là 6,36%). Quy mô kinh tế năm 2020 gấp 7,75 lần so năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước (đứng thứ 2, sau vùng Đông Nam Bộ); GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ là 141,3 triệu đồng/năm).
- Cơ cấu chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ (năm 2020 lần lượt là 40,62% và 40,64%); các ngành công nghiệp mũi nhọn như: điện, điện tử, lắp ráp, sản xuất ô tô, đóng tàu, thép, hóa - dược, công nghiệp hỗ trợ,… phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ít thâm dụng lao động, hàm lượng công nghệ cao. Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng, Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển, dịch vụ cảng biển lớn của cả nước.
- Thu ngân sách tăng nhanh, tổng thu NSNN giai đoạn 2005-2020 chiếm 32,7% (đến năm 2020 chiếm 34,5%) tổng thu NSNN cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ); vùng có 7/11 địa phương có điều tiết về Trung ương (năm 2022 có thêm tỉnh Ninh Bình nâng tổng số tỉnh điều tiết về Trung ương là 8/11 địa phương).
- Kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, tốt nhất cả nước, hội tụ đủ 05 phương thức vận tải. Đến năm 2020, toàn vùng có 496 km đường cao tốc, 2.133 km đường quốc lộ, có mật độ đường cao tốc và quốc lộ cao nhất cả nước[1]. Phát triển đô thị tăng nhanh, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2021 đạt trên 41% (đứng thứ 2/6 vùng kinh tế, sau vùng Đông Nam Bộ).
- Thu hút FDI tăng khá nhanh. Đến năm 2020, đứng thứ 2 trong các vùng kinh tế (chiếm khoảng 31,4% tổng vốn cả nước). Trong đó: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước.
- Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, có 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao nhất nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 0,86% năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều.
- Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc biên giới, chủ quyền quốc gia. Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được tăng cường; phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả.
2. Tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức
- KTXH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.
- Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp. Cơ cấu thu NSNN ở một số địa phương chưa bền vững.
- Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ. Hạ tầng du lịch còn yếu.
- Hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; thiếu liên kết giữa các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, nông thôn; phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
- Chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung; tỷ lệ lao động nông nghiệp thiếu việc làm còn lớn; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn.
- Quản lý đất đai, tài nguyên môi trường còn bất cập; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp.
- Phát triển văn hóa - xã hội, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng y tế cơ sở còn hạn chế.
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp…
3. Nguyên nhân
- Nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng còn chưa đầy đủ; tư duy, thể chế về liên kết chậm đổi mới.
- Chưa có chính sách đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ.
- Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, cơ cấu chưa hợp lý, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Nguồn lực bố trí thực hiện các công trình, dự án có tính liên kết vùng gặp khó khăn.
- Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Phân cấp, phân quyền cho các địa phương chưa triệt để.
- Năng lực của một bộ phận cán bộ có mặt còn hạn chế, tính năng động, sáng tạo chưa cao…
III. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI
1. Về quan điểm, định hướng
- Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị đề ra 05 quan điểm phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, trong đó tôi nhấn mạnh quan điểm: “Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”.
- Đề nghị các đồng chí, đặc biệt là các địa phương trong vùng nghiêm túc quán triệt các quan điểm nêu trong nghị quyết. Đồng thời, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tôi đề nghị các đồng chí đặc biệt chú trọng một số nội dung sau:
(1) Quán triệt, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phải ưu tiên cho những vấn đề trọng tâm, phù hợp với xu thế, như: Hạ tầng chiến lược, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm kết nối vùng, kết nối khu vực và kết nối quốc tế; phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu…
(2) Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó, việc nào dứt việc đó.
(3) Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
(4) Thống nhất nhận thức và hành động; có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể.
(5) Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; không đùn đẩy né tránh.
(6) Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
2. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu
- Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng, bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tôi không nêu lại cụ thể, nhưng đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, đề nghị các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng chỉ đạo nghiên cứu kỹ, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu này, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
3. Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
(1) Các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
- Để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 30 đòi hỏi chúng ta phải có cách làm, tư duy, cách tiếp cận mới, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả.
(2) Tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng.
- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả.
- Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững; sớm hoàn thành Quy hoạch vùng trong năm 2023.
(3) Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển, dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng.
- Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường.
- Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân thông minh. Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng và thị trường.
- Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng hiện đại, đa dạng, trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng, các trung tâm du lịch tầm khu vực và quốc tế, trên cơ sở phát huy bản sắc độc đáo riêng có; gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch.
- Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics.
(4) Về phát triển hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng KTXH
- Phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các chuỗi đô thị, chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics.
- Ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức. Đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối nội vùng, cảng biển; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả khai thác đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển quốc tế.
(5) Về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
- Phát triển vùng trở thành trung tâm KHCN gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KHCN. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, đầu tư, phát triển KHCN.
- Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng.
- Tập trung nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số (PAPI, PAR Index, PCI, ICT…).
(6) Về phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:
- Phát huy vai trò là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0. Đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ đại học. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề.
- Phát triển thị trường lao động hiện đại, hội nhập, hiệu quả; tăng cường kết nối cung cầu lao động nội vùng, liên vùng.
(7) Về phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân
- Phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức sáng tạo, khát vọng phát triển phồn vinh.
- Phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa. Chú trọng quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa tiêu biểu.
- Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; triển khai hiệu quả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
(8) Về quản lý và sử dụng tài nguyên
- Sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước. Đẩy mạnh liên kết trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học; tăng cường kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chất thải, nước thải gắn với thích ứng biển đổi khí hậu và nước biển dâng.
(9) Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại
- Thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, không để bị động, bất ngờ.
- Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường trấn áp các loại tội phạm. Chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
- Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa chính trị, đa dạng hóa đối tác; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển và giao lưu quốc tế, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng.
(10) Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị
- “Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có chuyển giao, kế thừa.
- Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần bảo đảm “phên dậu” về quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
* VỀ XÚC TIẾN, THU HÚT ĐẦU TƯ
- Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đối tác phát triển, các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong vùng về các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển các địa phương và toàn vùng.
- Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương:
Tập trung triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá để tăng cường thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát các thể chế, tăng cường công khai, minh bạch, đối thoại, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Rà soát, đánh giá và chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, nhất là các dự án có tính lan tỏa cao. Nghiên cứu tạo hành lang pháp lý đối với các hình thức, phương thức đầu tư mới, hợp tác công tư.
- Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển:
Đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương xây dựng môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch với tinh thần “bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, đẩy mạnh đầu tư vào vùng với tinh thần: lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tâm, tài, trí, tín; chân thành, trách nhiệm.
Có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần “Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả"; chuyển hóa tiềm lực thành động lực, mang lại những những sản phẩm, công trình, giá trị cụ thể, tạo động lực phát triển vùng.
* Nhân Hội nghị này, tôi đề nghị:
- Các doanh nghiệp, đối tác phát triển, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng đồng bằng sông Hồng; tích cực tham gia thực hiện quy hoạch vùng, địa phương; nghiên cứu, phát hiện và khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên của vùng.
- Các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực truyền thông, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, về tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh và toàn vùng, góp phần tích cực vào quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư cho vùng.
* Sau Hội nghị hôm nay, giao Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu dự họp, chủ động giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thưa quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí!
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả quan trọng đã đạt được của vùng đồng bằng sông Hồng và các địa phương trong vùng trong thời gian qua, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong vùng; với sự hỗ trợ tích cực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Ban, Bộ, cơ quan trung ương; sự hỗ trợ, hưởng ứng, tham gia tích cực của các đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta tin tưởng rằng, Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển cùng đất nước; đưa Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống xã hội; trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chúc quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam