Vững tin năm thứ 8 liên tiếp tăng trưởng 2 con số
Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lớn hơn, nhất là những khó khăn của ngành than, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cùng sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức ấy dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, đổi mới của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự đoàn kết, vươn lên mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp, nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, tạo niềm tin, động lực để tỉnh tiếp tục hoàn thành những mục tiêu cao hơn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra Dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (tại Km20+50 cao tốc Hạ Long - Hải Phòng).
Quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, từ thành công trong việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong 3 năm qua, Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH. Ngay từ những ngày đầu năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương, xác định đúng, trúng chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt hành động vì lợi ích chung.
Đặc biệt vai trò người đứng đầu được phát huy hiệu quả, nhất là đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nghiêm túc, chủ động, kịp thời vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tiễn của tỉnh; nâng cao chất lượng ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển theo hướng thiết thực, ngắn gọn, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện trên các lĩnh vực… Nhờ đó đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Điển hình như để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ngay từ đầu năm và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra, động viên cán bộ, lãnh đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các KCN, KKT, trọng điểm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái; ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách. Tỉnh đã chủ động đón tiếp, làm việc với hàng chục tập đoàn, nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư dự án trên địa bàn các KCN, KKT. Cùng với tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; tạo điều kiện tốt nhất, tháo gỡ tối đa, kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho ngành Than, nhất là về quy hoạch, giấy phép khai thác, thăm dò, nâng công suất…
Tỉnh cũng đã nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó đẩy mạnh thu hút du lịch tâm linh, văn hóa ngay từ tháng đầu năm; thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô…, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long…
Để phát triển những lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng thế mạnh cũng như thúc đẩy liên kết vùng, Quảng Ninh đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị chuyên đề, chuyên sâu của Trung ương tổ chức trên địa bàn tỉnh và các hội nghị lớn của tỉnh như hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hội nghị phát triển logistics tỉnh Quảng Ninh; Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023; Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040...
Để mở ra cơ hội mới, nguồn lực mới, động lực mới, tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thành việc lập, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến nay, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong Vùng đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Đây là bản quy hoạch được đánh giá là hội tụ đầy đủ trí tuệ, khát vọng phát triển, được xây dựng bài bản, công phu với sự tham gia của các đơn vị tư vấn uy tín hàng đầu quốc tế từ hơn 10 năm qua như McKinsey, Nikken Sekkei. Cùng với quy hoạch tỉnh, đồ án Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 cũng đã được phê duyệt; việc lập, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện các địa phương cũng được đẩy nhanh. Đây chính là cơ sở quan trọng, là công cụ để quản lý nhà nước, phương tiện giám sát của nhân dân và là niềm tin lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Công nhân làm việc tại Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt ở KCN Cảng biển Hải Hà.
Trong thúc đẩy thực hiện ba đột phá chiến lược, tỉnh tập trung khai thác lợi thế của hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Trường THPT Hòn Gai. Hiện, tỉnh đang đẩy nhanh triển khai các dự án đã khởi công năm 2022, các dự án mới năm 2023, các công trình gắn biển chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh như dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh; Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1); cầu Cửa Lục 3.
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người trong vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, kéo giảm chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo, gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, Quảng Ninh chi trên 1.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội trong 6 tháng đầu năm, tăng 81% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo ước giảm chỉ còn 0,041%. Trong bối cảnh nhiều nơi, nhiều tỉnh công nhân thiếu việc làm, Quảng Ninh đã nỗ lực giải quyết việc làm mới cho 9.600 lao động, đạt 48% kế hoạch, trong đó tập trung chủ yếu vào các khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, phù hợp với thực tiễn địa phương…
Bài viết cùng chuyên mục
- Từ ngày 1/11/2024, Quảng Ninh chính thức có 5 thành phố
- Phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Quảng Yên
- TP Hạ Long: Quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng
- Tạo cơ hội kết nối giao thương cho doanh nghiệp
- Móng Cái: Hơn 1,3 triệu tấn hàng hóa XNK qua các cửa khẩu, lối mở trong 9 tháng đầu năm 2024
- Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc tìm hiểu đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- “Nước rút” đón 3 triệu khách quốc tế
- Nhanh chóng khôi phục hạ tầng giao thông bị hư hỏng
- UBND tỉnh làm việc với Agribank, bàn giải pháp hỗ trợ khách hàng