Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc sắp cán mốc 140 tỷ USD
Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc sắp cán mốc 140 tỷ USD sau 10 tháng. Trung Quốc cũng là thị trường duy nhất Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng qua Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5%. Mức tăng này là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 89,7 tỷ USD, giảm trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã ước đạt hơn 139 tỷ USD sau 10 tháng năm nay.
Xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc sắp cán mốc 140 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc. Mới đây, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh). Đây là thị trường lớn nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trùng Khánh chỉ chiếm tỷ lệ thấp (3%) trong tổng kim ngạch thương mại hai nước.
Bên cạnh đó, sắp tới đây, Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23 năm 2023 trong 6 ngày (10 - 15/11), tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Kim Thành, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Thêm nữa, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.
Việc mở, nâng cấp các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, lối thông quan... nhằm góp phần nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo vtv.vn
Bài viết cùng chuyên mục
- Thúc đẩy kinh tế xanh bền vững
- Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư làm việc với Tổ chức liên chính phủ UnASDG tại Việt Nam, Quỹ đầu tư Alpstein Ventures AG (Thụy Sĩ) và Công ty CP đầu tư Thái An Holding về tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư
- Xúc tiến thu hút du khách Trung Quốc
- Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư
- Tăng cường trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
- Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
- Tập đoàn Hàn Quốc cam kết đầu tư thêm 4 tỷ USD tại Việt Nam
- Huyện Hải Hà: Chuyển động từ thu hút đầu tư
- Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về triển vọng đầu tư dài hạn tại Việt Nam